“Dẫu xa muôn dặm vẫn tôi vua Hùng” - Cảm xúc trào dâng ngày giỗ Tổ

07:15 | 10/04/2022;
Hằng năm, cứ đến dịp giỗ Tổ Hùng Vương, trong lòng người dân Việt dù sống trên quê hương hay ở xa Tổ quốc đều trào dâng những cảm xúc xốn xang, với niềm tri ân thành kính tổ tiên, nhất là các vua Hùng đã có công dựng nước, giữ nước. Vì thế đọc bài thơ "Dẫu xa muôn dân vẫn tôi vua Hùng", lòng người đọc trào dâng nỗi xúc động.

Bài thơ do một Việt kiều sống xa Tổ quốc bày tỏ tâm trạng, cảm xúc chân thành của mình. Ông là tiến sĩ, viện sĩ Nguyễn Huy Hoàng. Bài được rút từ tập "Canh ngọn đèn đợi sáng" của NXB Văn học, năm 2013. Thi phẩm tái hiện bóng dáng lịch sử thời Hùng Vương dựng nước, ngợi ca công đức của đấng minh quân và khẳng định bản thân dù sống ở đất nước Nga xa xôi song "Dẫu xa muôn dặm vẫn tôi vua Hùng".

Nguyễn Huy Hoàng

DẪU XA MUÔN DẶM VẪN TÔI VUA HÙNG

Cái thời khai quốc, ban sơ

Nhà vua xuống ruộng cày bừa với dân

Ngồi cùng một chiếu, chung mâm

Đêm canh bếp lửa, uống chung rượu thề

Người dưới nói, kẻ trên nghe

Bình yên một cõi, bốn bề Phong Châu


Thương dân, quốc kế làm đầu

Hùng binh, thực túc, mưu sâu, kế bền

Bao đời trong ấm, ngoài yên

Chẳng nhường tấc đất ở miền biên cương

Khởi nguyên dòng dõi Việt Thường

Luỹ thành dựng nước, xưng vương một vùng


Truyền ngôi, thi lễ hội mừng

Thanh cao chỉ chọn bánh chưng, bánh dày

Trời là đây, đất là đây

Nước non tay cuốc, tay cày mà nên

Dạy rằng, chớ phụ tổ tiên

Đừng vì gấm vóc mà quên nghĩa người


Thân con lưu lạc cuối trời

Dẫu xa muôn dặm vẫn tôi vua Hùng.

(Theo "Canh ngọn đèn đợi sáng",

NXB Văn học - 2013)

Tác giả lựa chọn thể lục bát, một thể thơ truyền thống được coi là xương sống của nền thơ ca dân tộc, nói lên lòng tri ân nguồn cội tổ tiên và niềm tự hào về lịch sử dân tộc. Những câu mở đầu của bài làm sống dậy buổi bình minh của lịch sử dân tộc. Vua Hùng là bậc quân vương luôn gần dân, sát cánh với dân trong mọi hoạt động lao động và cả sinh hoạt đời thường. Điều đó được thi sĩ giới thiệu bằng hình ảnh thơ rất ấn tượng: "Cái thời khai quốc, ban sơ/ Nhà vua xuống ruộng cày bừa với dân/ Ngồi cùng một chiếu, chung mâm/ Đêm canh bếp lửa, uống chung rượu thề". Chính tình cảm thương yêu gắn bó, tinh thần đoàn kết, thấu hiểu nhu cầu, nguyện vọng của dân làm nên sức mạnh lớn lao của dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước "Bình yên một cõi, bốn bề Phong Châu".

Xuất phát từ tấm lòng thương yêu dân, vua luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, từ đó nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự cường dân tộc. Ngôn từ những câu thơ này hầu hết là từ Hán-Việt, thể hiện sắc thái tình cảm trang trọng, thái độ tôn kính với vua Hùng. Trong bài, tác giả đặc biệt ngợi ca sự việc và cách thức truyền ngôi sáng suốt của nhà vua: "Truyền ngôi, thi lễ hội mừng/ Thanh cao chỉ chọn bánh chưng, bánh giầy/ Trời là đây, đất là đây/ Nước non tay cuốc, tay cày mà nên". Đoạn thơ gợi người đọc nhớ tới "Sự tích bánh chưng bánh giầy", gắn liền với việc mở hội thi dâng lễ vật để chọn người tài truyền ngôi của Hùng vương thứ 6. Nhờ tấm lòng thành kính, biết tri ân trời đất, tổ tiên và sự sáng tạo, khéo léo làm nên bánh chưng, bánh giầy, hoàng tử Lang Liêu đã được vua cha tin tưởng, truyền trao ngôi báu. 

Lời vua phán truyền từ ngàn năm trước "Dạy rằng, chớ phụ tổ tiên/ Đừng vì gấm vóc mà quên nghĩa người" cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Lời vàng ý ngọc đó có ý nghĩa giáo dục ý thức lao động, lòng biết ơn nguồn cội tổ tiên; gia đình, sống không vì giàu sang mà quên đi tình nghĩa, đạo lý.

“Dẫu xa muôn dặm vẫn tôi vua Hùng” - Cảm xúc trào dâng ngày giỗ Tổ - Ảnh 2.

Khu di tích đền Hùng

Thi phẩm khép lại bằng hai câu đứng tách riêng một khổ thơ độc lập, gửi tới bạn đọc thông điệp, cảm xúc chủ đạo của cả bài thơ: "Thân con lưu lạc cuối trời/ Dẫu xa muôn dặm vẫn tôi vua Hùng". Câu thơ gợi nhớ hoàn cảnh của gia đình tác giả: Con gái trong một lần đi biển cùng bạn của nhà thơ bị mất tích, đã khiến tác giả thay đổi hẳn sinh kế. Ông quyết ở lại nước Nga vừa làm việc vừa để có thêm thời gian đi tìm con. Trong hơn 20 năm qua, ông chưa bao giờ nản lòng về việc tìm kiếm con. Tuy sinh sống xa Tổ quốc nhưng trong lòng người tác giả ấy lúc nào cũng đau đáu hướng về Việt Nam, đặc biệt là vào dịp Lễ Quốc Tổ. 

Ông tâm niệm rằng dù bản thân sống xa đến đâu, thành đạt đến mức nào nhưng tâm khảm vẫn không lúc nào nguôi quên nguồn cội, lúc nào cũng nhớ tới và tri ân thành kính với vua Hùng, với ông cha và quê hương Việt Nam. Suy nghĩ ấy của tác giả đã nói hộ tâm trạng của nhiều Việt kiều khác đang sống xa Tổ quốc cũng như tấm lòng của hàng triệu con dân đất Việt.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn