Đau xương khớp trở nặng vào mùa lạnh, bạn nên ra vườn hái ngay 5 loại cây này để uống

16:00 | 18/12/2024;
Các loại cây này có tác dụng giảm viêm, từ đó giúp giảm đau khớp nhanh chóng mà an toàn.

Vào mùa lạnh, xương khớp dễ bị đau hơn do sự thay đổi của áp suất khí quyển; các mạch máu có thể co lại, làm giảm lượng máu cung cấp ở ngón chân và ngón tay, điều đó có thể gây cứng xương khớp, dẫn tới cơn đau. Ngoài ra, khi trời lạnh bên ngoài, mọi người di chuyển xung quanh hoặc tập thể dục ít hơn, điều này có thể dẫn đến mất sức mạnh và tính linh hoạt của cơ, do đó, đau khớp nhiều hơn.

Việc sử dụng một số loại lá cây chữa đau xương khớp có thể có lợi khi thời tiết chuyển lạnh. Vậy đau khớp uống lá gì?

1. Các loại lá cây chữa đau xương khớp

Dưới đây là một số loại lá cây chữa đau xương khớp mà mọi người có thể dễ dàng tìm trong vườn nhà.

1.1. Lá lốt

Lá lốt là một loại cây mọc dại thường có trong vườn nhà. Đây là một loại rau gia vị được chế biến thành rất nhiều món ăn. Lá lốt có vị cay, hơi nồng và có tính ấm. Lá lốt có chứa nhiều chất chống oxy hoá như alkaloid và beta-caryophylen, sắt, canxi, phốt pho, vitamin C, benzyl axetat.

Nhờ có giá trị dinh dưỡng ấn tượng, lá lốt có nhiều công dụng đối với sức khoẻ, đặc biệt có thể giúp giảm đau xương khớp nhờ có chứa beta-caryophylen và benzyl axeta. Những chất này có tính kháng khuẩn giúp hỗ trợ chống viêm và giảm đau.

Đau xương khớp trở nặng vào mùa lạnh, bạn nên ra vườn hái ngay 5 loại cây này để uống- Ảnh 1.

Beta-caryophylen và benzyl axeta trong lá lốt có thể giảm viêm (Ảnh: ST)

- Bài thuốc chữa đau xương khớp từ lá lốt:

+ Ngâm chân bằng lá lốt: Đun sôi khoảng 30g lá lốt (có cả lá, thân và rễ) với 1 lít nước trong khoảng 10 phút. Sau đó, đem pha với nước lạnh đến khi nước đủ ấm. Cho thêm vài hạt muối và ngâm chân trong khoảng 10-15 phút.

Bạn nên ngâm trước khi đi ngủ và ngâm chân liên tục trong khoảng 2 tuần để thấy được hiệu quả.

+ Uống nước sắc từ lá lốt: Sử dụng 5-10g lá lốt phơi khô hoặc 30g lá tươi. Đem đun với khoảng 2 bát nước và chờ cô đặc lại còn khoảng 1 bát, chờ nước sắc nguội và uống trong ngày.

- Lưu ý khi sử dụng lá lốt chữa đau xương khớp

Không nên uống quá nhiều lá lốt vì có thể bị nóng trong, dẫn tới nhiệt miệng, táo bón. Mỗi ngày không nên dùng quá 100g lá lốt. Những người bị nóng gan, nhiệt miệng nên thận trọng khi ăn hoặc uống nhiều lá lốt.

Lá lốt có thể gây mất sữa hoặc loãng sữa, do đó phụ nữ đang cho con bú không nên áp dụng các bài thuốc này.

1.2. Nha đam

Loại lá cây chữa đau xương khớp không thể bỏ qua đó là nha đam. Nha đam (lô hội) là một bài thuốc dân gian chữa đau nhức xương khớp hiệu quả vì loại cây này có đặc tính chống viêm. Ngoài tác dụng giảm đau và chống viêm, nha đam còn mang lại cảm giác mát lạnh và giúp giữ ẩm cho khớp, rất có lợi cho những người bị cứng hoặc khô khớp.

Đau xương khớp trở nặng vào mùa lạnh, bạn nên ra vườn hái ngay 5 loại cây này để uống- Ảnh 2.

Thoa nha đam lên vùng đau nhức xương khớp có thể giúp giảm đau (Ảnh: ST)

- Cách sử dụng nha đam giảm đau khớp

+ Sử dụng gel của nha đam thoa lên vùng xương khớp bị đau hoặc sưng tấy

+ Uống nước ép nha đam. Cách làm rất đơn giản, bạn gọt bỏ phần vỏ của nha đam và ngâm phần thịt (cùi) với nước muối trong 30 phút để sạch nhớt. Sau đó, cho nha đam, có thể kết hợp thêm dưa leo và gừng, cho tất cả vào cối để xay nhuyễn. Cuối cùng, đổ nước ép ra cốc, cho thêm một ít đường nếu bạn không thể uống nước ép nguyên chất là có thể thưởng thức.

- Lưu ý khi sử dụng nha đam giảm đau khớp

+ Nhựa nha đam có thể gây dị ứng nên trước khi thoa lên da, bạn nên thoa lên một vùng da nhỏ để xem phản ứng của cơ thể.

1.3. Ngải cứu

Ngải cứu là lá cây chữa đau xương khớp được nhiều người sử dụng. Ngải cứu là một loại rau cũng như là một vị thuốc trong Đông y. Loại cây này được biết đến có tác dụng chống sốt rét, hạ huyết áp, chống oxy hoá, ... Đặc biệt có đặc tính chống viêm nhờ có chứa hoạt chất artemisinin, ngải cứu còn có thể giảm đau khớp trong mùa lạnh hiệu quả.

Đau xương khớp trở nặng vào mùa lạnh, bạn nên ra vườn hái ngay 5 loại cây này để uống- Ảnh 3.

Hoạt chất artemisinin trong lá ngải cứu có thể giảm đau khớp (Ảnh: ST)

- Cách sử dụng ngải cứu giảm đau khớp

+ Chườm ngải cứu nóng: Sử dụng một lượng vừa đủ ngải cứu tươi cùng với một chút muối ăn. Đem 2 nguyên liệu này rang nóng. Sau đó cho vào một túi mềm hoặc một chiếc khăn, gói lại, để giảm bớt nóng, tránh làm bỏng da và chườm lên vùng xương khớp bị đau.

+ Sắc lấy nước uống: Sử dụng lá ngải cứu tươi hoặc khô đều được. Sau đó, rửa sạch và đem sắc với khoảng 500ml nước, đun sôi âm ỉ trong khoảng 20 phút, chia nhỏ thành 3 phần và uống trong ngày.

- Lưu ý khi sử dụng ngải cứu giảm đau khớp

+ Không nên uống hoặc ăn quá nhiều ngải cứu vì có thể gây co giật, ngộ độc, rối loạn tiêu hóa, mất ngủ.

+ Người bị dị ứng với cỏ phấn hương và cúc vạn thọ, phụ nữ có thai không nên áp dụng bài thuốc dân gian này.

1.4. Trà xanh

Trà xanh là một loại đồ uống phổ biến. Các chất chống oxy hóa có trong trà như catechin có thể giúp chống lại tình trạng viêm gây viêm khớp dạng thấp hoặc thoái hoá khớp. Ngoài ra, trà xanh có thể bình thường hóa các chức năng trao đổi chất có xu hướng bất thường trong bệnh viêm khớp.

Đau xương khớp trở nặng vào mùa lạnh, bạn nên ra vườn hái ngay 5 loại cây này để uống- Ảnh 4.

Trà xanh chứa nhiều chất chống oxy hoá mạnh (Ảnh: ST)

- Cách sử dụng trà xanh giảm đau khớp

Uống trà xanh hàng ngày. Cách pha trà rất đơn giản, bạn có thể sử dụng khoảng 0,1 - 0,3g lá trà tươi đem pha với nước sôi. Ủ trà trong khoảng 5-10 phút là bạn có thể thưởng thức. Bạn có thể uống như nước lọc, uống trong ngày nhưng tránh uống vào buổi tối vì có thể gây mất ngủ.

1.5. Tía tô

Lá cây chữa đau xương khớp mà bạn có thể dễ dàng tìm trong vườn nhà đó là tía tô. Đây là một loại rau gia vị thơm ngon và là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và hóa chất thực vật dồi dào.

Lá tía tô chứa nhiều vitamin A, C và E. Các vitamin này hoạt động như chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác hại do các gốc tự do gây ra và hỗ trợ sức khỏe miễn dịch tổng thể. Hơn nữa, lá tía tô chứa các khoáng chất như canxi, sắt, kali và magiê. Các khoáng chất này rất cần thiết để duy trì xương khỏe mạnh, chức năng cơ và cân bằng điện giải. Lá tía tô cũng chứa nhiều loại polyphenol như axit rosmarinic , luteolin và apigenin. Polyphenol có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm, góp phần mang lại lợi ích sức khỏe tiềm tàng và giúp ngăn ngừa bệnh tật.

Đặc biệt, lá tía tô chứa các hợp chất có đặc tính chống viêm mạnh. Ăn lá tía tô có thể giúp giảm viêm trong cơ thể, có lợi cho những người mắc các bệnh viêm như viêm khớp và hen suyễn.

Đau xương khớp trở nặng vào mùa lạnh, bạn nên ra vườn hái ngay 5 loại cây này để uống- Ảnh 5.

Tía tô rất giàu vitamin (Ảnh: ST)

- Cách sử dụng lá tía tô giảm đau khớp

+ Sắc lấy nước uống: Chuẩn bị 1 nắm lá tía tô rửa sạch và đun với 500ml nước. Đun đến khi cạn còn khoảng 200ml nước. Chia nước sắc thành 2 phần uống trong ngày.

+ Đắp lá tía tô lên vùng đau nhức: Sử dụng 1 nắm lá tía tô tươi rửa sạch và giã nhuyễn. Sau đó đắp lên vùng bị đau nhức xương khớp. Lưu ý, không đắp lên vùng da hở để tránh bị nhiễm trùng.

- Lưu ý khi sử dụng lá tía tô giảm đau khớp

+ Không nên uống quá nhiều lá tía tô trong ngày vì có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá như gây đau bụng, đầy hơi, khó tiêu,...

+ Phụ nữ mang thai khi áp dụng bài thuốc này cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.

2. Biện pháp khác giúp giảm đau khớp vào mùa lạnh

Ngoài giảm đau xương khớp bằng cây nhà lá vườn, để kiểm soát cơn đau này, mọi người nên:

- Giữ ấm cho cơ thể bằng cách mặc đủ ấm, đeo găng tay và chân, khi ra ngoài nên đội thêm mũ và khăn.

- Tập thể dục nhẹ nhàng để giúp xương khớp linh hoạt hơn.

- Uống đủ nước để xương khớp được bôi trơn và tránh bị khô cứng

- Chườm ấm hoặc mát-xa, xoa bóp bằng tinh dầu như dầu tràm, dầu long não,...

- Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, đặc biệt nên ưu tiên những thực phẩm giàu chống viêm như rau lá xanh, nghệ, gừng, tỏi,...

Trên đây là các loại lá cây chữa đau xương khớp, nhưng các loại lá này chỉ mang tính hỗ trợ điều trị và không thể thay thế được các chỉ định của bác sĩ. Do đó, nếu bạn bị đau xương khớp trầm trọng kèm theo sưng tấy, bạn nên đến bệnh viện thăm khám và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn