Lần đó, cô bạn thân cũng có con gái trạc tuổi con tôi than vãn: “Bây giờ cho con ra ngoài đường thật đáng sợ. Mình đọc báo thấy có mấy vụ các cháu gái bị xâm hại tình dục đấy”. Tôi trả lời bạn: “Thay vì lo lắng rồi cấm con không được ra đường, tại sao cậu không dạy con cách để tự bảo vệ bản thân, chống lại việc bị xâm hại...”.
Cô bạn nhìn tôi ngạc nhiên: “Trời ạ, các con mình mới ở tuổi mẫu giáo thì sao hiểu được về xâm hại tình dục. Khi nào con mình bước vào tuổi dậy thì, mình sẽ nói với con về mấy điều đó”.
Không giống như bạn, tôi đã bắt đầu dạy con về cơ thể, về những “vùng cấm” trên cơ thể từ khi con mới hơn 3 tuổi.
Tôi thường tận dụng những lúc tắm cho con, giúp con thay quần áo, đi vệ sinh... tôi lồng ghép các bài học về giới tính vào đó. Chẳng hạn, lúc con tắm, tôi chỉ vào bộ phận sinh dục của con và nói: “Con đừng để bạn ý lộ ra trước mặt người ngoài nhé. Bạn ý sẽ rất xấu hổ đấy”. Tôi cũng nói với con: “Mẹ tắm cho em khi em nhỏ. Mai này em lớn, em tự tắm một mình”.
Bằng cách đó, tôi giúp con có khái niệm ban đầu về tính riêng tư trong một số sinh hoạt cá nhân. Dù con còn nhỏ, tôi rất hạn chế để con bước ra khỏi nhà tắm mà không mặc gì. Thay vào đó, tôi giúp con mặc quần áo rồi mới đi ra, dù bên ngoài chỉ có người thân của con như bố, ông, bà...
Chồng tôi có lần nói: “Em cẩn thận quá. Trẻ con mới vài ba tuổi, thay quần áo chỗ đông người cũng là bình thường”. Nhưng với tôi, bình thường hay không đều là do suy nghĩ của người lớn. Trẻ dù là còn nhỏ cũng cần được dạy về ý thức, về sự kín đáo của cơ thể. Như vậy khi lớn lên, trẻ sẽ biết tôn trọng bản thân mình như không dễ dãi trong ăn mặc.
Dạy con như vậy nên tôi cũng không bao giờ thay quần áo trước mặt con. Nếu khi tôi cần thay đồ mà con đang chơi trong phòng thì tôi sẽ nói với con: “Con ra ngoài cho mẹ thay quần áo nhé”. Con gái tôi sẽ vui vẻ ra ngoài, rồi đóng cửa lại cho tôi thay đồ.
Tôi cũng dạy con biết tự chăm sóc cơ thể mình như biết làm sạch bộ phận sinh dục sau khi đi vệ sinh, biết tự kéo quần... Tất nhiên, thời gian đầu, con khó thao tác thành thục và vẫn cần có tôi trợ giúp, hướng dẫn.
Khi con tự vệ sinh thân thể có thể làm vương vãi nước trên sàn nhà, hay vào quần áo... Nhưng tôi không mắng con mà vẫn khen ngợi con giỏi. Nhờ đó, con tôi sau này đã biết tự đi vệ sinh một mình, nhất là khi ở nơi không có mẹ bên cạnh.
Khi ở nhà, rất ít khi khách đến thấy cảnh con tôi ngồi trên toilet trong nhà vệ sinh với cái cửa không đóng. Con tôi mới 3 tuổi nhưng đã thấy ngại ngùng khi bị người khác nhìn thấy mình trong bộ dạng “không tế nhị” như thế.
Khu nhà tôi ở có nhiều gia đình có con nhỏ. Chiều đến, các cháu được bố mẹ đưa xuống sân công cộng hóng mát rất đông. Có nhiều người lớn thấy các cháu nhỏ bụ bẫm thì vuốt má, xoa đầu, thơm trán... Còn các cháu thì thấy ai thân thiện cũng vui vẻ chạy lại ôm vai, bá cổ... Quả thực, với văn hóa Á Đông, thật khó để cấm cản mọi người có những biểu hiện yêu quý con theo cách như vậy và ngược lại.
Tôi nói với con, mọi người chỉ được phép chạm vào “bạn tóc”, “bạn bàn tay”, “bạn trán”... của con. Nhưng ngay cả khi như vậy, con vẫn có quyền đồng ý hay từ chối nếu người khác, kể cả đó là người thân trong nhà như bố mẹ, ông bà muốn vuốt tóc, xoa đầu con...
Tương tự, con cũng nên có một số giới hạn với cơ thể người khác. Khi con muốn ôm một ai đó, hãy hỏi xem người đó có muốn hay không? Nếu người đó nói không thì con hãy dừng lại. Ở nhà, tôi thường xuyên hỏi con những câu như: “Mẹ yêu con. Con cho mẹ ôm con một cái được không?”.
Đa phần con tôi rất vui vẻ đáp lại: “Được ạ”. Nhưng, cũng có lúc, vì một lý do nào đó mà con giận mẹ nên trả lời: “Con chưa sẵn sàng”. Tôi lại hỏi tiếp: “Vậy cho mẹ thay bằng cái bắt tay được không?”. Con đáp: “Bắt tay thì được nhưng ôm thì không?”. Vậy là tôi chỉ bắt tay con. Tương tự như vậy, con sẽ không bao giờ tự ý hôn tôi nếu thấy việc này làm phiền mẹ.
Tôi nghĩ rằng, cha mẹ hoàn toàn có thể bắt đầu bài dạy về chống xấm hại tình dục theo một cách đơn giản nhất ngay khi con còn nhỏ. Sau đó, khi trẻ lớn dần thì những bài học sẽ được bổ sung thêm và cách tiếp cận cũng sẽ khác đi, trực diện hơn.