Đầy bụng, khó chịu khi ăn mận với các món này

09:06 | 20/04/2019;
Trong y học, quả mận được ghi nhận là có nhiều giá trị, song nhiều trường hợp cần tránh kết hợp loại trái cây này với một số món.
Tốt cho tim mạch, huyết áp: Mận rất giàu các thành phần chống oxy hóa như anthocyanin, vitamin C, duy trì lưu thông máu, kiểm soát huyết áp, giảm nguy cơ đột quỵ và ngăn ngừa các vấn đề tim mạch. Ngoài ra, vitamin B12 trong mận có tác dụng thúc đẩy tái tạo huyết sắc tố, có lợi cho người bị thiếu máu.
 
 
man.jpg
Quả mận có rất nhiều công dụng cho sức khỏe, tuy nhiên, ăn quá nhiều mận có thể gây hại cho cơ thể

 

 
Thanh lọc gan, lợi tiểu: Mận chứa nhiều loại axit amin: Glutamine, serine, glycine, proline, v.v., có lợi ích thanh lọc gan tuyệt vời và cả trong điều trị bệnh xơ gan cổ trướng.
 
Hỗ trợ tiêu hóa: Mận giàu chất xơ và isatin, sorbitol, giúp điều chỉnh chức năng của hệ tiêu hóa. Ăn mận nhiều giúp điều hòa nhu động ruột, giảm nguy cơ táo bón.
 
Làm đẹp da mặt: Trong cuốn “Bản thảo cương mục” có ghi hoa mận có tác dụng loại bỏ các đốm đen, làm đẹp da mặt. Nước ép mận và rượu, bột hạt mận cũng có tác dụng làm trắng da, loại bỏ các đốm đen, chống lão hóa.
 
Những người nên "nói không" với mận
 
Người bị đau, viêm, loét dạ dày: Mận có tính axit cao, sẽ làm trầm trọng tình trạng đau của những người bị đau, viêm, loét dạ dày.
 
Người bị bệnh thận: Mận chứa nhiều axit oxalate, gây cản trở quá trình hấp thụ canxi của cơ thể. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng kết tủa trong thận, nguyên nhân chính gây sỏi thận và sỏi bàng quang.
 
 
blur-close-up-focus-162851.jpg
Phụ nữ mang thai không nên ăn mận vì dễ bị nóng, phát ban, không tốt cho sức khỏe của mẹ và thai nhi

 

Thai phụ, người bị nhiệt, nóng: Mận có tính nóng nên ăn nhiều mận có thể gây ra các hiện tượng nóng trong, nhiệt miệng, mụn nhọt… Phụ nữ đang mang thai cũng có thân nhiệt nóng hơn bình thường không nên ăn nhiều mận vì có thể sinh phát ban, gây hại cho sức khỏe của mẹ và thai nhi.
 
Không ăn mận khi đang đói: Mận chua, nếu ăn khi đang đói không chỉ dễ gây viêm loét dạ dày mà còn làm tăng nguy cơ sỏi thận.
 
Ngoài ra, mận tính chua, không nên ăn nhiều vì sẽ hại răng, tổn thương tỳ vị. Đặc biệt, không cho trẻ ăn nhiều mận. Đồng thời, sau khi ăn mận xong, không nên uống một lượng nước lớn vì sẽ làm đau dạ dày hoặc đi ngoài.
 
Mận kỵ kết hợp với:
 
Thịt vịt, trứng vịt: Ăn mận với thịt vịt hoặc trứng vịt sẽ gây cảm giác khó chịu, đầy bụng.
 
Cá trắm: Mận kỵ thịt cá trắm, vì sẽ gây khó tiêu.
 
Thịt gà, trứng gà: Mận cũng kỵ thịt gà bởi cả hai thứ đều tính nóng, ấm, ăn cùng nhau sẽ gây bốc hỏa, chảy máu cam, đau đầu. Mận ăn với trứng gà còn gây khó tiêu.
 
Hoa quả ngọt: Hoa quả tính chua như mận không nên kết hợp với các loại quả ngọt như dưa hấu, dưa vàng, chuối, sầu riêng, mía, đu đủ vì sẽ ảnh hưởng tiêu hóa, đường fructose tiếp xúc với axit chua gây lên men quá mức và tạo cảm giác chướng bụng, khó chịu, đi ngoài.
 
Hoa quả chua: Bản thân quả mận chứa nhiều axit trái cây, nếu kết hợp với các loại trái cây chua khác như chanh, quất, thanh mai, sơn tra, mơ... sẽ càng làm gia tăng sự kích thích đến đường tiêu hóa, làm trầm trọng thêm chứng viêm loét dạ dày, thậm chí xuất huyết.
 
Hạnh nhân: Mận, hạt mận chứa một lượng nhỏ amygdalin, hạnh nhân cũng chứa chất trên, khi ăn vào cơ thể, lượng amygdalin trong cả hai trở nên nhiều hơn, có thể gây ngộ độc, nhẹ hơn có thể làm hỏng gan.
 
Thực phẩm giàu canxi: Mận giàu axit oxalic, khi kết hợp với canxi trong các chế phẩm từ sữa, đậu nành, các loại trứng gia cầm, xương động vật, tôm cua... tạo thành canxi oxalate làm giảm sự hấp thụ canxi và gây sỏi thận.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn