Đẩy chồng vào mặc cảm hèn kém, tự ti

10:52 | 26/08/2015;
Hằng cảm thấy mệt mỏi, bế tắc với cuộc hôn nhân và không còn muốn nhìn mặt chồng hàng ngày nữa.
Cô Thanh Tâm kính mến!
Cháu năm nay 28, còn chồng 33 tuổi. Chúng cháu lấy nhau được hơn 3 năm, đã có một nhóc 2 tuổi và hiện giờ đang có bầu bé thứ hai. Nhưng từ khi bắt đầu có thai bé thứ hai cháu thấy tình cảm giữa cháu và chồng không ổn lắm. Chúng cháu thường xuyên xảy ra cãi vã dù là những chuyện nhỏ nhặt nhất.
Vợ chồng cháu sống cùng với bố mẹ chồng hơn 70 tuổi và hiện tại cháu đang theo học một lớp liên thông vào buổi tối. Khi đi học lớp liên thông này cháu không nhận được sự ủng hộ của gia đình nhà chồng nhưng cháu vẫn kiên quyết theo ý mình. Ngành học này lâu lắm mới mở một lần nên không dễ gì đăng ký được và cháu đã phải đợi từ rất lâu để được tham gia lớp học này. Cháu muốn có tấm bằng đại học để sau này có muốn chuyển việc đến nơi khác cũng dễ hơn. Chồng cháu là người ít nói, đối nhân xử thế thì hơi kém. Đối với nhà vợ nếu có việc gì cũng ít khi sang, thỉnh thoảng anh mới sang nhưng làm như là khách. Bố mẹ cháu có góp ý nhiều lần nhưng anh ấy vẫn không chịu sửa. Còn việc nhà thì anh ấy không hề động đến, thậm chí cái bóng điện cháy gần nửa năm anh cũng chẳng buồn thay.

Hằng nhận thấy chồng mình là người ít nói, đối nhân xử thế thì hơi kém (ảnh minh họa)
Cháu cảm thấy mệt mỏi, bế tắc với cuộc hôn nhân này và không còn muốn nhìn mặt chồng hàng ngày nữa, chỉ muốn bế con về ngay nhà ngoại để mình giảm stress cũng như muốn nghỉ ngơi trong thời kỳ mang thai. Chồng cháu là người cố chấp và hay mắng cháu bằng giọng điệu hơi thiếu tôn trọng. Nhưng vì sống cùng bố mẹ chồng nên cháu luôn cố gắng nín nhịn, thỉnh thoảng anh quá đáng lắm cháu mới nói lại thôi. Thực sự cháu cảm thấy chán ngán cuộc hôn nhân và gia đình chồng lắm rồi. Mong cô hãy cho cháu một lời khuyên.
Nguyễn Minh Hằng (Bắc Ninh)

Minh Hằng thân mến!
Trong mắt người vợ sắp có hai con mà hình ảnh người chồng của cháu nhiều điểm trừ quá nhỉ. Nào là chồng ít nói, ứng xử kém, cố chấp, nào là ăn nói thiếu tôn trọng vợ, lười làm việc nhà. Không lẽ anh ấy không có một điểm nào để cháu khen, cháu động viên? Mà sao một người “tệ” như thế mà cháu vẫn yêu, vẫn chung sống và sắp có con thứ hai với người ta được? Cháu đang đeo “đôi mắt kính đen” nhìn đời, hỏi sao anh ấy không chán nản, không mặc cảm tự ti, sang nhà vợ chỉ là miễn cưỡng? Người ta chỉ đối xử tốt, yêu thương gia đình nhà vợ khi rất yêu vợ và được vợ tôn trọng, kính nể.
Cháu không hề nói cháu đã sống ra sao, cố gắng như thế nào để vun đắp cuộc sống vợ chồng, mà chỉ kể chuyện cãi nhau vì những điều nhỏ nhặt. Liệu trong chuyện này cháu có liên đới trách nhiệm? Cháu đang mang thai, lại vẫn cố gắng học hành là rất đáng quý. Nhưng mình phải cố gắng để việc đó được ủng hộ hoặc có kế hoạch thực hiện rõ ràng. Chứ học thêm một cái bằng liên thông để rồi không muốn nhìn mặt chồng, bố mẹ chồng, chỉ muốn về nhà ngoại dưỡng thai, sinh con cho đỡ ức chế, stress, đẩy gia đình mình đến bờ vực tan vỡ thì không đáng đâu.
Hãy thay đổi cách nhìn về chồng, tìm ra những điểm đáng yêu của anh ấy (chẳng hạn như không cờ bạc, rượu chè, trai gái, nghiện hút, không đánh đập vợ con, chịu khó lao động kiếm tiền...) để mà yêu thương, để tiếp tục chung sống. Còn nếu thực sự cháu muốn xa chồng một thời gian, cứ đề đạt nguyện vọng. Biết đâu sự xa cách lại như luồng gió mới, làm bùng lên những khát khao, say đắm và cháu lại muốn được gần chồng. Nhưng cô cũng nhắc cháu rằng, đi thì dễ chứ về lại khó khăn hơn rất nhiều đấy. Đã lựa chọn là phải chấp nhận rủi ro. Chúc cháu tìm được hướng đi đúng đắn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn