Ham hiểu biết
Khi trẻ đã biết đi, biết chạy, thay vì tìm cách giữ chân con trong nhà, bạn hãy “mở cửa” để con bước ra thế giới bên ngoài. Có thể chỉ là nắm tay con dạo quanh ngõ. Quá trình đó trẻ sẽ được tiếp xúc với thiên nhiên, được nhìn thấy những tia nắng nhảy nhót trên tán lá, những chú bướm vàng đang bay lượn và đậu lại trên những đóa hoa đang khoe sắc.
Hãy giải thích cho con tên các loài cây, hoa. Đôi khi cho trẻ ngửi hương thơm từ những bông hoa này để trẻ có thể cảm nhận được mùi thơm, màu sắc của hoa. Để kích thích trí tò mò của trẻ, bạn có thể cho con tự “giải phẫu” một bông hoa bất kỳ, chỉ cho trẻ thấy từng bộ phận của hoa… Trẻ sẽ ham hiểu biết hơn sau mỗi lần khám phá bài học tưởng như vô cùng đơn giản ấy.
Nếu bạn có thời gian thì vào cuối tuần, hãy chịu khó đưa trẻ đến những không gian rộng hơn: Công viên, bảo tàng, vườn thú, khu vui chơi… Những nơi này sẽ giúp trẻ có thể thả sức tưởng tượng và tiếp xúc với thiên nhiên trong lành. Trẻ sẽ cảm nhận được một thế giới đang chuyển động không hề giống với không gian nhỏ bé ở nhà.
Phụ huynh cần kích thích sự sáng tạo, rèn trí nhớ và sự ham hiểu biết cho trẻ. Ảnh minh họa: Dân Hùng
Năng lực ghi nhớ
Đôi khi chỉ cần cách đơn giản, cho trẻ xem một bức tranh trong chốc lát rồi giấu nó đi, sau đó hỏi trẻ xem bức tranh đó vẽ cái gì, màu sắc ra sao. Nhiều nghiên cứu cho thấy, đây là cách rèn trí nhớ vô cùng hiệu quả, bởi giai đoạn này, hầu hết trẻ thường dùng mắt để quan sát và ghi nhớ.
Với “công thức” đó, cha mẹ có thể tăng dần độ khó của mỗi lần đố lên như chọn những bức tranh có nhiều đồ vật, màu sắc hơn; thời gian cho trẻ nhìn tranh được rút ngắn lại. Cha mẹ cũng có thể nghĩ ra nhiều câu đố khác nhau, tăng sự phong phú và hấp dẫn cho mỗi lần ra câu hỏi; thay tranh bằng những đồ vật có thật trong cuộc sống, có thể là những chiếc bút chì nhiều sắc màu; các loại hoa, quả; kể một câu chuyện sau đấy yêu cầu con nhắc lại về những nhân vật trong đó…
Mỗi khi trẻ trả lời đúng, đừng quên thưởng cho con một chiếc kẹo, cái bánh hoặc đồ ăn nào mà trẻ thích. Cha mẹ cũng có thể nghĩ ra những phần thưởng đa dạng hơn như tặng bé một chuyến đi chơi, thăm ông bà… Quan trọng nhất không phải giá trị của phần thưởng mà đây sẽ là động lực, kích thích và giúp trẻ hứng thú hơn với bài học.
Như vậy là với cách này, cha mẹ cùng lúc có thể đạt được cả 2 mục đích, giúp trẻ luyện trí nhớ, khả năng tư duy và khuyến khích trẻ ăn.
Kích thích sáng tạo
Hầu hết những đứa trẻ đều thích được cầm bút và vẽ những gì chúng muốn. Có thể đó là những nét bút nguệch ngoạc, không ra hình thù gì nhưng cha mẹ đừng vội quát mắng và cấm con vẽ. Hãy nghe trẻ giải thích xem đang vẽ gì, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống thú vị hơn nhiều khi nhìn vào bức tranh đó đấy.
Các phụ huynh nên nhớ, tranh xấu hay đẹp không quan trọng mà điều ý nghĩa hơn cả đây là bạn đang tạo điều kiện cho con “sáng tác” - giúp trẻ có được năng lực biểu hiện, sáng tạo.
Trên đây là những bài học nhỏ bạn có thể mang đến cho con mà không cần phải dựa vào sách vở. Với khả năng sáng tạo của cha mẹ, chắc chắn bạn sẽ còn phát hiện ra rất nhiều bài học đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả như thế trong cuộc sống.