Dạy con bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ

19:00 | 12/09/2018;
Ngoài việc quan tâm xem con ăn tốt không, gầy hay béo, học hành thế nào, tôi còn để tâm rèn con cả ý thức bảo vệ môi trường ngay từ trong gia đình qua các hành động nhỏ nhất.

Tôi có hai con, một cháu lên 9, một cháu mới 5 tuổi. Lúc đầu, nghe tôi nói dạy con bảo vệ môi trường, nhiều người còn cười nghĩ tôi viển vông. Lũ trẻ bé như thế thì làm sao hiểu được những điều vĩ mô mà mẹ nó đang nghĩ tới. Nhưng thực ra, dạy con về môi trường đâu phải là hô khẩu hiểu, hay là phải đưa nhau ra dọn rác ở đại dương. Với tôi, đôi khi, chỉ cần các con biết vẽ vào mặt sau của tờ lịch cũ thay vì dùng tờ giấy mới cũng đã là bảo vệ môi trường rồi.

2_20161022183125.jpg
. Ảnh mimnh họa

 

Tôi cũng thường giải thích cho con hiểu ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường theo cách dễ hiểu nhất. Như có lần, con trai lớn hỏi tôi: “Tại sao phải tiết kiệm giấy vậy mẹ? Có phải nhà mình nghèo không?”. Con tôi vốn là đứa trẻ yêu thiên nhiên, rất thích công việc trồng cây. Thi thoảng, cháu lại gieo một cái hạt của loại quả nào đó xuống đất để đợi cây nảy mầm, hằng ngày nhìn ngắm cây lớn thêm.

 

Tôi trả lời: “Mẹ có thể mua cho con nhiều tập giấy trắng nhưng mẹ muốn con cố gắng tận dụng giấy cũ. Con biết không, giấy được làm từ gỗ. Nếu mỗi bạn nhỏ dùng lại một tờ giấy cũ thì biết đâu sẽ cứu được 10 cái cây xanh giống như cây con trồng”. Con tôi ồ lên hiểu chuyện và cảm thấy rất tự nguyện khi được dùng lại giấy cũ để không phải chặt cây.

 

Tôi cũng dạy cho con gái 5 tuổi cách phân loại rác. Tôi mua về đặt trong bếp hai chiếc thùng rác. Một chiếc đựng rác vô cơ, một chiếc đựng rác hữu cơ. Con gái tôi ngạc nhiên mỗi khi đi vứt rác lại phải bỏ đúng loại rác vào từng thùng nên hỏi tôi: “Sao phải làm vậy hả mẹ”.

 

Tôi lại dùng chính bữa ăn hằng ngày của con làm dẫn chứng để con dễ hiểu: “Mỗi khi ăn món cá, mẹ phải gỡ xương ra khỏi thịt cá rồi mới cho con ăn. Con nghĩ xem, nếu con ăn cả xương cá thì sẽ khó nhai và còn có thể bị hóc phải không nào. Cũng giống như vậy, nếu con đi đổ rau, củ, cơm, canh... mà có lẫn cả chai, lọ trong đó thì chiếc máy nghiền rác cũng dễ bị “hóc”. Tất nhiên, lời giải thích này không thể chính xác tuyệt đối nhưng lại dễ hiểu và dễ nhớ với một cô bé còn ít tuổi.

 

moitruonggiaoducmoitruong.jpg
Ảnh minh họa

 

Tôi cũng dạy các con, trước khi mua mới một thứ đồ gì đó hãy nghĩ xem có thể tận dụng vật dụng nào đó đã cũ mà vẫn tạo ra tính năng tương đương không. Con gái tôi rất thích làm điệu nên có riêng một hộp đựng vòng nhựa, nhẫn, các loại nơ, dây chun, bờm tóc... Thế nhưng, trừ khi đồ vật đó hỏng hoàn toàn, tôi mới chịu vứt đi, còn lại nếu chỉ cũ hoặc bị hỏng một vài chi tiết thì đều giữ lại để tái sử dụng. Đó có thể là những chiếc hạt nhựa của chiếc vòng bị đứt dây, cái nơ gắn trên chiếc bờm bị gãy... Tôi cho con một chiếc hộp nhỏ để giữ những món đồ linh tinh đó.

 

Sinh nhật bà cháu, hai mẹ con khi gói quà còn phát hiện có thể tận dụng luôn chiếc nơ ở bờm và vài hạt vòng nhựa để gắn lên hộp quà là vật trang trí. Sau đó tôi nói với con, những món đồ này nếu bị vứt đi thì có lẽ đã nằm chìm trong đống rác và không bao giờ có thể tiếp tục mang lại vẻ đẹp cho mọi người nhìn ngắm nữa. Đó cũng chính là bài học về tái sử dụng đồ cũ tôi dạy cho con.

 

Từ việc bảo vệ môi trường, tôi cũng thấy các con trở nên chững chạc, chín chắn hơn. Các cháu không bao giờ vứt rác bừa bãi cũng như khi vứt đi một món đồ nào đó thì luôn tự hỏi: Đồ này còn dùng lại được không. Một chai nước uống hết, các con tôi biết rửa rồi phơi khô, cất vào trong tủ. Thi thoảng, thấy mẹ mua hoa về cắm trong nhà, cháu lại xin mẹ mấy bông rồi lấy chai nước ra, tận dụng làm lọ hoa đặt ở góc học tập.

 

Một chiếc tất cũ, cháu cũng không chịu vứt đi mà lại nghĩ ra việc sẽ buộc vào cái que để làm cái vợt cá khi cần vì nhà tôi có bể nuôi cá vàng. Khi ăn cơm, các cháu luôn vét sạch bát và không bao giờ bỏ mứa vì sợ làm vậy vừa lãng phí mà lại gây bẩn ra môi trường. Tôi cũng nhận ra óc sáng tạo của các con cũng phát triển vì các con luôn nghĩ ra cách khác nhau để tái chế, tái sử dụng đồ vật.

 

Tôi cũng tin rằng, các con sẽ ý thức được việc phải có trách nhiệm với môi trường sống xung quanh mà không cho rằng đó là việc của thế giới.

 

Chút kinh nghiệm nho nhỏ của tôi hy vọng sẽ có ích với các mẹ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn