Dạy con đồng cảm với mọi người xung quanh

10:35 | 17/11/2015;
"Ngoài việc gợi ý những cuốn sách hữu ích cho môn Văn, bố vẫn thường dặn mình để viết văn hay cần có cảm xúc thực sự. Và để có điều đó phải hiểu và cảm nhận những sự vật, sự việc xảy ra, đồng cảm với từng con người mà mình được tiếp xúc", Quỳnh chia sẻ.
Đạt danh hiệu học sinh giỏi quốc gia và thành tích xuất sắc trong kỳ thi ĐH năm nay, Nông Trúc Quỳnh, dân tộc Tày là một trong số những học sinh được góp mặt tại Lễ tuyên dương học sinh dân tộc thiểu số học giỏi năm 2015.

Nông Trúc Quỳnh hiện là sinh viên năm thứ nhất của Học viện An ninh nhân dân khoa Chống gián điệp. Ảnh: Thanh Hùng.

Giành được tổng điểm ba môn 26,5 điểm (Văn 8, Sử 9,25 và Địa 9,25) trong kỳ thi ĐH năm nay, sau khi được cộng thêm 3,5 điểm ưu tiên, Quỳnh đạt tổng điểm là 30 và hiện đang là sinh viên năm nhất của khoa Chống gián điệp, Học viện An ninh nhân dân. Năm lớp 12, Quỳnh từng giành giải khuyến khích quốc gia môn Ngữ văn và giải Ba môn ngữ văn cấp tỉnh lớp 11.
Ít ai biết rằng, để có được thành tích như ngày hôm nay, Quỳnh đã phải làm quen với cuộc sống xa gia đình, tự lập ngay từ năm lớp 10.  Theo học tại trường chuyên của tỉnh Cao Bằng cách nhà 60 km nên Quỳnh phải ở ký túc của trường và học cách tự xoay sở mỗi ngày. Từ số tiền 1,5 triệu đồng bố mẹ chắt góp gửi cho mỗi tháng, Quỳnh tính toán để trang trải đủ tiền ăn và sinh hoạt. Tuy nhiên, thiếu thốn vật chất không phải là khó khăn đối với Quỳnh mà thử thách với cô là làm sao để hòa nhập với bạn bè và bắt kịp kiến thức với các bạn ở thành phố. Là người dân tộc Tày học cùng các bạn dân tộc Kinh nên ban đầu Quỳnh cũng gặp những khó khăn nhất định trong giao tiếp.
Với nghị lực của bản thân và cách học hiệu quả Quỳnh cũng xuất sắc vượt qua 3 năm THPT khi thường xuyên đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ở quê của Quỳnh, nhiều bạn bè cùng lứa sau khi học phổ thông xong thường lấy chồng hoặc đi làm ăn xa, nhưng được sự định hướng của bố mẹ, Quỳnh tiếp tục quyết tâm vào ĐH. “Khuyên mình tiếp tục học cao hơn nhưng bố mẹ vẫn để mình tự lựa chọn trường ĐH theo khả năng và sở thích, chứ không hề ép buộc”, Quỳnh nói.
Không dừng lại ở sách vở
Chia sẻ bí quyết học tập khi nhiều năm liền là học sinh giỏi, Quỳnh cho hay đọc nhiều sách, truyện giúp khả năng viết, dùng từ của bản thân được tốt hơn. Tuy nhiên, từng ấy chưa phải là đủ. “Các môn xã hội đều có liên quan đến nhau nên em thường tìm mối liên hệ các môn ở từng sự kiện, mốc thời gian để lấy kiến thức môn này bổ trợ cho môn kia giúp các dẫn chứng trong bài phong phú, đa dạng hơn. Chưa kể, khi xâu chuỗi các vấn đề lại được với nhau sẽ giúp dễ nhớ lượng thông tin khổng lồ của nhóm môn học hơn. Việc học tạo được mối liên hệ giữa các môn cũng giúp mình không mất nhiều thời gian học thuộc. Đặc biệt, học các môn xã hội cần thường xuyên cập nhật tin tức xã hội, đừng nghĩ chỉ học kiến thức trong sách vở là xong”, Quỳnh nói.
Việc vận dụng các thông tin thời sự xã hội được thể hiện rõ nhất với môn Văn, môn mà Quỳnh thích học nhất. “Đưa thêm những vấn đề thời sự đang diễn ra thường ngày của cuộc sống vào từng bài văn mới có thể phân tích những vấn đề văn học một cách thú vị, hấp dẫn, thực tiễn hơn”, Quỳnh nói.
Một điều thuận lợi đối với Quỳnh đó là bố cô cũng học giỏi môn này nên cô nhận được nhiều chia sẻ hữu ích. Là bộ đội thường công tác xa nhà nên bố Quỳnh không có nhiều thời gian trao đổi trực tiếp với con. “Tuy vậy, bố vẫn thường bày cách cho mình học tốt môn này qua những lần điện thoại. Bố thường gợi ý cho mình những cuốn sách mà bố đã từng đọc và thấy hữu ích cho môn Văn. Đặc biệt, bố vẫn dặn mình để viết văn hay cần có cảm xúc thực sự. Để có điều đó thì phải hiểu và cảm nhận được những sự vật, sự việc xảy ra, đồng cảm với từng con người. Mỗi lời động viên của bố đã tiếp thêm động lực để mình nỗ lực học tốt hơn”, Quỳnh tâm sự.
Ngoài đọc sách, xem thời sự, để phục vụ cho việc học, Quỳnh còn tranh thủ thời gian rảnh lên mạng đọc báo, nắm thông tin, thậm chí qua cả kênh mạng xã hội Facebook.
Qua tiếp xúc, điều thấy rõ nhất ở Quỳnh là sự khiêm tốn. Quỳnh cho biết đó cũng là điều mà cô cảm nhận được rõ nhất từ chính bố mẹ: “ Bố mẹ vẫn nhắc, dù mình đạt thành tích cao thế nào vẫn không được phép tự kiêu. Đặc biệt, trước những thành công, không bao giờ bố mẹ nói ra những câu khen như “con giỏi quá” nhưng mình biết bố mẹ rất vui qua từng ánh mắt”.
Bước chân vào môi trường an ninh, với Quỳnh không chỉ là cơ hội để phát triển bản thân, cô còn mong sau này có thể cống hiến cho quê hương.

Lễ Tuyên dương 122 học sinh dân tộc thiểu số đạt thành tích xuất sắc trong các kỳ thi học sinh giỏi và thi ĐH, CĐ năm 2015 trên cả nước do Ủy ban dân tộc tổ chức đầu tháng 11. Trong đó, có 105 học sinh đoạt giải quốc gia (gồm 1 giải Nhất, 16 giải Nhì, 30 giải Ba và 58 giải Khuyến khích). Đặc biệt, có 2 học sinh đỗ thủ khoa và 15 học sinh đạt điểm cao từ 27 điểm trở lên trong kỳ thi ĐH, CĐ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn