Dạy con giao tiếp và tương tác

09:54 | 21/10/2016;
Các nhà giáo dục Nhật Bản đều cho rằng, kỹ năng cha mẹ nên rèn luyện cho con giai đoạn mẫu giáo và tiền tiểu học là “năng lực giao tiếp và tương tác xã hội” rất quan trọng và cần phát triển nhất.
 Dạy con giao tiếp là "dinh dưỡng" suốt đời cho con (ảnh minh hoạ)
"Dinh dưỡng" suốt đời cho con

Ở Việt Nam, các gia đình có con trong độ tuổi mẫu giáo và tiền tiểu học thường quan tâm, chú trọng đến dinh dưỡng phát triển thể chất nhiều hơn là giáo dục. Có quan tâm đến giáo dục thì sẽ là chạy đua trong việc học toán, học đọc, tập viết…. khi con chuẩn bị bước vào tiểu học. Hoàn toàn không có chuyện quan tâm đến khả năng giao tiếp xã hội của trẻ. Trong khi khả năng tương tác này chính là năng lực quan trọng giúp trẻ thành công trong cuộc sống sau này.

Thông qua các hoạt động tập thể hàng ngày với những người xung quanh, trẻ sẽ tự học cách tiếp xúc và cách chơi cùng bạn, cùng những người lớn tuổi khác. Học cách thể hiện cảm xúc, các ý kiến cá nhân và kết nối với mọi người.

Ở Mỹ có một chương trình giáo dục nổi tiếng là Perry Presschool Education Plan đã tiến hành ngẫu nhiên theo dõi 2 đối tượng: những người đi nhà trẻ từ năm 2-3 tuổi và những người không đi nhà trẻ trong những năm này. 40 năm sau, kết quả cho thấy, những người tham gia trong các tổ chức giáo dục mầm non đều thành công hơn những người không tham gia trong các tổ chức này về mọi mặt. Điều đó khẳng định vai trò quan trọng trong giáo dục mầm non vì môi trường giáo dục mầm non giúp trẻ rất nhiều trong việc hình thành kỹ năng tương tác xã hội.

 Cha mẹ nên tạo không gian và tình huống giao tiếp cho con (ảnh minh hoạ)

Vai trò quan trọng của môi trường và kỹ năng

Việc cần làm ngay mỗi ngày của cha mẹ ngay từ khi con nằm trong nôi là trò chuyện và tương tác ngôn ngữ, bao gồm cả ngôn ngữ cơ thể và ngôn ngữ nói. Đồng thời kích thích sự tương tác của trẻ thông qua các trò chơi với bố mẹ, ông bà, anh chị em… thay vì để trẻ chơi game hay xem máy tính một mình. Nếu có xem hay chơi các đồ điện tử thông minh trên cũng cần có bố mẹ ngồi cạnh để cùng xem và trò chuyện với con. Tránh lạm dụng các thiết bị thông minh này như một đồ vật trông trẻ. Tạo không gian và tình huống giao tiếp cho trẻ nhỏ như luôn luôn đặt câu hỏi và yêu cầu trẻ trả lời dù trẻ biết nói hay chưa biết nói.

Ngay như ở Nhật Bản, một nền giáo dục văn minh hiện đại cũng đang phải đối mặt với một lượng không nhỏ các bạn thanh thiếu niên có kỹ năng giao tiếp yếu hơn thế hệ trước rất nhiều. Đây là hệ quả tất yếu của việc cha mẹ không chú trọng nuôi dưỡng rèn luyện kỹ năng này từ thủa ấu thơ. Thu hẹp trẻ trong 4 bức tường với truyện tranh, game online… trẻ dễ dàng hình thành thói quen cuộn mình trong một vỏ bọc và thế giới riêng, mất đi thói quen giao tiếp trao đổi với những người thân xung quanh. Bộ phận này khi lớn lên có thể học tập giỏi nhưng lại không biết cách giao tiếp với bạn bè đồng nghiệp, không kết nối được những người xung quanh, kỹ năng làm việc theo nhóm kém….

Ngày nay, các công ty Nhật Bản khi tuyển nhân viên còn kèm theo mục đánh giá kỹ năng giao tiếp của ứng viên đó ra sao vì họ ngày càng chú trọng đến khả năng này ở các nhân viên của mình.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn