Câu chuyện cô bé Bống bán chè bưởi ở Tuyên Quang, biết cách kiếm tiền và tự lập tài chính từ năm lớp 2, 11 tuổi đã gọi được 200 triệu tiền vốn từ một chương trình đầu tư khởi nghiệp đã thổi bùng lên những tranh cãi của các phụ huynh. Có nên cho con kiếm tiền và tiêu tiền từ sớm?
Theo một nghiên cứu từ Đại học Cambridge, trẻ càng được dạy sớm, kỹ năng quản lý tài chính càng được phát triển tốt về sau, vì trẻ hiểu giá trị đồng tiền, học cách chi tiêu - tiết kiệm thông minh.
Tuy nhiên, theo chị Đào Thanh Huyền, chuyên gia Quản trị tài chính kế toán, ở mỗi lứa tuổi, khả năng nhận thức và suy nghĩ của trẻ khác nhau, cần hướng dẫn bé cách sử dụng tiền cho phù hợp.
Ở lứa tuổi mẫu giáo (từ 3-5 tuổi): Làm quen với tiền
Khi con bắt đầu tập đếm, bạn đã có thể cho con làm quen với tiền. Ở lứa tuổi này, khoan hãy nghĩ đến cách dạy bé kiếm tiền mà chỉ nên cho bé được nhìn thấy, nhận biết được mệnh giá của các loại tiền. Bạn cũng có thể hướng dẫn cho con biết các công dụng của tiền, cần phải làm việc để kiếm ra tiền…
Điều quan trọng nhất ở lứa tuổi này, là bạn cần phải dạy con phân biệt giữa nhu cầu và ham muốn, không phải thích gì cũng có thể mua được, mà cần phải chờ đợi và xứng đáng để được chi tiêu khoản tiền đó. Ví dụ: con phải phấn đấu đạt đủ 5 phiếu bé ngoan mới được mua búp bê…
Nhận thức được điều này, bé sẽ biết biết sử dụng tiền vào đúng mục đích ngay từ khi còn nhỏ bạn và hình thành nguyên tắc chi tiêu đúng đắn.
Ở lứa tuổi tiểu học (6-10 tuổi): Chủ động chi tiêu
Nhiều bạn nhỏ, đặc biệt là trẻ em ở thành thị đã được cha mẹ cho tiền tiêu vặt, hay có những khoản tiền tích lũy nhỏ từ tiền mừng tuổi, tiền khen thưởng…
Bạn có thể cho con tự chủ động chi tiêu, nhưng nên tuân thủ theo các quy tắc:
- So sánh giá cả trước khi mua: bài học này có thể hướng dẫn khi cho con đi chợ, đi siêu thị mua sắm. Ví dụ: cùng là gói bánh gạo, nhưng có loại 12.000 đồng, có loại 18.000 đồng, còn cần so sánh giá cả, chất lượng, trọng lượng, mẫu mã… của gói bánh trước khi quyết định mua.
- Tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình khi mua một món đồ gì, dù là gói bim bim hay quyển sách, để luyện cho bé biết cách cân nhắc, suy nghĩ kỹ trước khi muốn mua sắm.
- Luyện cho con thói quen ghi chép những khoản tiền đã chi tiêu, để kiểm soát được những món tiền của mình.
- Có thể gợi ý cho con một số cách kiếm tiền phù hợp với lứa tuổi như: làm việc nhà giúp đỡ bố mẹ, thu gom giấy, báo cũ để bán…
Ở lứa tuổi thiếu niên (từ 11-13 tuổi): Tiết kiệm tiền
Ở lứa tuổi này, nhiều trẻ đã có khả năng kiếm tiền như làm đồ thủ công, đồ chơi, đồ dùng học tập… để bán cho các bạn. Khoản tiền tiêu vặt, tiền ăn sáng… của bé cũng được “rủng rỉnh hơn”.
Kỹ năng quan trọng dạy con ở tuổi này, không còn là cách kiếm tiền hay cách chi tiêu nữa, mà là cách tiết kiệm tiền. Bé cũng đủ lớn để nhận ra, càng chi tiêu đúng mục đích, khoản tiền tiết kiệm càng nhiều hơn và biết tích lũy để mua những món đồ có giá trị lớn như xe đạp, máy tính…
Bạn cũng có thể học cách “bé Bống chè bưởi” chia tiền thành các ví: tiêu vặt, tiết kiệm, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Những khoản tiền nhỏ dùng cho bản thân và được chia sẻ sẽ tạo động lực cho con chi tiêu đúng cách.
Ở lứa tuổi thanh niên (từ 14-18 tuổi): Tự kiếm ra tiền
Con bước và cấp 3, cần có những khoản tiền lớn hơn, để chuẩn bị cho tương lai sau này như vào đại học. Ở thời điểm này, định hướng cho con biết cách tự kiếm ra tiền rất quan trọng. Bạn có thể khuyến khích con tự làm nhiều việc trong khả năng để có tiền như đi làm gia sư, làm thêm, tự kinh doanh…
Tuy nhiên, bạn cần luôn luôn nhắc nhở con: tiền không phải tất cả, cần phải biết cách cân bằng việc kiếm tiền với việc dành thời gian cho gia đình; biết tận hưởng những đam mê, sở thích của bản thân để cuộc sống cân bằng và hạnh phúc.