Dạy con kiểu 'bỏ trong rừng' dậy sóng tranh cãi

07:24 | 04/06/2016;
Cậu bé 7 tuổi Yamato Tanooka bị bố mẹ bỏ lại trong rừng đã được tìm thấy, nhưng lời xin lỗi của người cha dường như vẫn chưa đủ để làm nguôi làn sóng tranh luận đang diễn ra gay gắt.

Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản bấy lâu đã trở thành phương pháp được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, ngay tại quê hương của phương pháp nuôi dạy con nổi tiếng này lại đang dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt về cách nuôi dạy con của những ông bố bà mẹ ngày nay sau vụ bố mẹ cậu bé Yamato Tanooka bỏ con lại trong rừng để phạt cậu bé vì nghịch ngợm dẫn đến việc cậu bé bị mất tích.

nguoi-cha.jpg
 Cha cậu bé Yamato Tanooka cúi đầu xin lỗi vì đã để xảy ra sự việc đáng tiếc với con trai mình. Cặp vợ chồng này đang phải đổi mặt với nhiều chỉ trích

Nhiều người đã chỉ trích gay gắt bố mẹ của cậu bé Yamato Tanooka và cáo buộc 2 người này bỏ bê con mình, thậm chí có người còn nặng lời gọi cha mẹ của cậu bé là “quái vật”. Naoki Ogi, một chuyên gia giáo dục, đã  lên án cặp cha mẹ này đã “bỏ rơi và lạm dụng” trẻ em. Ông cũng chỉ trích những bậc cha mẹ ở Nhật Bản đang có xu hướng xem con mình như tài sản cá nhân.

Trong khi đó, trên nhiều diễn đàn xã hội tại Nhật Bản, nhiều ý kiến lại tỏ ra cảm thông với cặp vợ chồng này bằng một nhận định: “Nuôi dạy con thời nay thật khó!”. Ông Tomoaki Ogura, người dẫn chương trình "Tokudane!", một talkshow của kênh truyền hình Fuji, cho rằng trong trường hợp của cha mẹ Yamato Tanooka, họ chỉ cần nói với cậu bé rằng: “Nếu con có hành vi xấu như vậy, bố mẹ sẽ không cho con đi xe cùng và hãy đứng yên ở đây”. Vậy là đủ để răn đe con trai mình.

Người dẫn chương trình truyền hình "Big Daddy" dành cho trẻ 13 tuổi,  Kiyosihi Hayashishita, thì cho rằng, kỷ luật không nước mắt bằng những lời nhắc nhở là biện pháp lý tưởng nhưng thật khó để áp dụng trong cuộc sống bộn bề những lo toan.
143-128400-toddler-in-train-1452209112.jpg
 Nhiều cha mẹ tại Nhật Bản chia sẻ trên các diễn đàn xã hội rằng họ cũng từng áp dụng biện pháp trừng phạt giả vờ bỏ con lại một mình

Nhiều ý kiến khắc chia sẻ, họ cũng từng phạt con bằng cách nhốt trong nhà hoặc giả vờ bỏ con lại một chỗ nào đó vì con không chịu nghe lời. Một nhà phê bình văn học nổi tiếng người Nhật Bản, Yumi Toyozaki, chia sẻ trên tài khoản cá nhân Twiter rằng: “Tôi cũng là một trong những người như thế, dễ phát điên vì con nếu nó hư. Tôi thông cảm với người cha đã bỏ lại con trong rừng để phạt con một chút. Tôi mong mọi người hãy ngừng lên án ông ấy”.

cha-me-nhat-ban.jpg
 Có ý kiến cho rằng kỷ luật không nước mắt là biện pháp lý tưởng nhưng thật khó áp dụng trong cuộc sống hiện tại. Ảnh minh họa
Tomoko Miyakoda, một bà mẹ, cho rằng, các bậc cha mẹ khi áp dụng biện pháp trừng phạt giả vờ bỏ lại con phải hết sức cẩn thận để tránh điều tồi tệ nhất. Đứa trẻ có thể biến mất trong nháy mắt nếu bố mẹ chỉ lơ là một phút không để mắt tới con. Trong trường hợp của Yamato Tanooka, bà Miyakoda thấy thật khó hiểu khi cha mẹ cậu bé lại để con ra khỏi tầm nhìn của họ ở một nơi đã được cảnh báo có gấu sinh sống.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn