Dạy con qua những bài học cuộc sống quanh ta không bao giờ cạn

10:54 | 08/11/2018;
Cũng như nhiều bậc cha mẹ khác, tôi rất quan tâm dạy con làm một người tử tế, có ý chí, nghị lực, biết yêu thương. Nhưng, thay vì lệ thuộc vào những cuốn sách đạo đức, những lời “hô khẩu hiệu” con phải làm thế này, thế kia, tôi thường dùng những câu chuyện, sự vật, hiện tượng xảy ra xung quanh con để làm “giáo trình”.
day-con1.jpg
Những “bài học cuộc sống” được lựa chọn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con. 

 

Hồi con học tiểu học, một lần, tôi đưa con về quê chơi. Chúng tôi ra thăm luống đậu mà bà ngoại cháu đang trồng. Mặc dù những hạt đậu được gieo cùng một thời điểm, được tưới nước, tắm nắng mặt trời như nhau nhưng có cây lớn nhanh, có cây lại còi cọc. Bà cháu nói sẽ phải nhổ những cây chậm lớn để dành đất sống cho cây khỏe. Nhân đây, tôi giải thích cho con thấy, mỗi cây đều có thể “tự chọn” cách sống cho mình. Có cây biết vươn lên, đón nắng gió thì khỏe khoắn, có cây chậm lớn phải chấp nhận sống dưới gốc của cây khác.

Nhà tôi có một bể cá rất đẹp. Thông thường, mọi người thường thích nhìn ngắm những chú cá vàng với cái đuôi dài uốn lượn. Nhưng, với tôi, trong bể, con cá dọn bể mới là quan trọng nhất. Bởi, bể cá có thể thiếu đi một hai con cá vàng, nhưng nếu vắng con cá dọn bể là rêu sẽ mọc, ảnh hưởng tới cả bể cá.

Thêm nữa, những con cá khác thường tranh giành thức ăn của nhau, hay đánh nhau nhưng không con nào giành ăn rêu với con cá dọn bể. Vì thế, con cá dọn bể chẳng bao giờ lo đói, luôn khoan thai nằm dưới đáy bể.

Khi hai mẹ con ngồi ngắm bể cá, tôi nói, con cá dọn bể đã biết chọn hướng đi riêng cho mình. Do chỉ mình nó có khả năng ăn rêu nên người nuôi cá sẽ luôn cần đến nó nếu muốn bể cá trở nên sạch sẽ. Tương tự, nếu người nào biết làm được những điều mà số đông không làm được thì người đó sẽ luôn được cần tới.

Khi con tôi lên lớp 6, cháu được một người quen tặng 2 chú ba ba con. Cháu quyết định nuôi ba ba như thú cưng trong nhà nên đã thả chúng vào một chiếc hộp nhựa, bỏ vào đó một ít sỏi và chút nước. Tôi nói với con, nếu muốn tốt cho con ba ba, hãy mang chúng về quê để nhờ bà ngoại nuôi giùm.

Ở nhà bà ngoại có chiếc ao rộng, sẽ là môi trường thuận lợi để ba ba sinh sống. Nhưng, con tôi không nghe với lý do cháu rất yêu ba ba nên không thể rời xa chúng. Cháu còn hứa sẽ chăm sóc ba ba thật tốt. Nhưng, dù hàng ngày con tôi thay nước cho chúng, rồi thả vào đó mấy hạt cám làm thức ăn, thì khoảng 1 tháng sau, một trong hai con ba ba đã bị chết.

Có lẽ, nó không hợp để sống trong hộp nhựa và còn suốt ngày bị con người vày vò, vuốt ve. Sau khi con ba ba chết, con tôi khóc rất nhiều. Lúc này, tôi mới từ từ phân tích cho con thấy, cách con thể hiện tình yêu với con ba ba là chưa đúng.

Nếu yêu chúng, lẽ ra con nên để cho chúng được sống với tự nhiêncho dù con có phải xa chúng. Còn nếu con lấy lý do yêu thương  để giữ con ba ba cạnh mình bất chấp đó có phải cuộc sống chúng mong muốn không là việc làm ích kỷ. Con tôi nghe ra, cuối cùng đồng ý sẽ mang con ba ba còn lại gửi cho bà ngoại “nuôi giùm”.

 

day-con.jpg
Giáo trình cuộc sống thì có bao giờ cạn, nên chúng ta hãy tận dụng tối đa để cùng con khôn lớn.

 

Chúng tôi sống trong một căn hộ tập thể nhỏ. Ngay dưới tầng 1 là cửa hàng tạp hóa tư nhân, chuyên bán đồ tạp phẩm cho cư dân quanh vùng. Nhưng, 1 năm trước, ở tòa chung cư gần đó xuất hiện một siêu thị lớn. Thấy vậy, nhiều người đoán chắc cửa hàng tạp hóa sẽ “sập tiệm” vì không thể cạnh tranh với siêu thị lớn.

Nào ngờ, vừa rồi, chúng tôi thấy siêu thị lớn treo biển “chuyển địa điểm”, trong khi cửa hàng tạp hóa nhỏ vẫn tấp nập người ra vào. Tối đó, con gái tôi, lúc này đã học lớp 10, đem thắc mắc về hai siêu thị về nhà hỏi tôi. Cháu băn khoăn tại sao siêu thị lớn lại “chịu thua” cửa hàng nhỏ?

Tôi giải thích với cháu: “Siêu thị lớn thì cũng phải bỏ ra nhiều chi phí đầu tư thuê địa điểm, nhân viên, điện thắp sáng. Trong khi cô chủ cửa hàng tạp hóa bán hàng ngay tại nhà, không mất phí thuê địa điểm và nhiều chi phí khác. Cô chủ siêu thị nhỏ lại rất có duyên bán hàng. Cô ấy quen mặt gần như tất cả khách hàng  thường vào cửa hàng của mình mua hàng. Cô còn tư vấn cho khách mua hàng gì tốt, rẻ, thậm chí còn cho khách hàng chịu tiền nếu ai đó quên mang tiền lúc đi mua hàng. Cô cứ tự tin mà kinh doanh thay vì phải sợ đối thủ cạnh tranh lớn mới dọn đến. Cũng vì thế nên cô được bà con yêu quý, tự nguyện trở thành khách hàng chung thủy của cô”.

Nghe tôi nói xong, con tôi gật gù, rút ra bài học: “Không phải cứ lấy lớn là thắng được nhỏ. Nếu nhỏ mà có “võ” thì không sợ gì cả. Cái chính là mình có tìm ra lợi thế của mình, biết được nhược điểm của đối thủ để mà tự tin bước đi hay không”.

Mỗi ngày, mẹ con tôi cứ rút ra nhiều bài học bổ ích từ những điều diễn ra gần gũi quanh mình. Giáo trình cuộc sống thì có bao giờ cạn, nên chúng ta hãy tận dụng tối đa để cùng con khôn lớn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn