(*) Bài viết là chia sẻ của Jim Brown, nhà tư vấn tài chính với hơn 30 năm kinh nghiệm và cũng là người sáng lập Jim Brown Investing.
Bạn muốn những năm tuổi già của mình sẽ được sống trong an nhàn, không phải lo lắng về tiền bạc? Vậy thì nhất định khi ở tuổi 20, 30 và 40 bạn cần có những quyết định thông minh. Dưới đây là những lời khuyên hữu ích, giúp bạn có thể nghỉ hưu với tài chính vững chắc.
1. Tận dụng lãi suất kép
Với lãi suất kép, bất kỳ khoản lãi nào đều có thể sinh lời từ chính nó.
Trong cuốn sách Financial Freedom (tạm dịch “Tài chính tự do”), triệu phú tự thân Grant Sabatier chia sẻ rằng, càng trẻ bạn sẽ càng có nhiều thời gian để tiền của mình phát triển.
"Nếu bạn tiếp tục tiết kiệm và đầu tư, giá trị ròng của bạn sẽ tiếp tục tăng và nhờ lãi kép, sự gia tăng này sẽ rất nhanh chóng."
Mỗi người có nhu cầu chi tiêu khác nhau song hãy cố gắng tiết kiệm 20% thu nhập của bạn. Bạn có thể đầu tư vào nhiều kênh, tùy theo khả năng, quan trọng là hãy tận dụng lợi ích của “kỳ quan thứ 8 của thế giới” – lãi suất kép, khiến tiền đẻ ra tiền.
2. Tránh (hoặc trả hết) nợ thẻ tín dụng
Năm 2014, Mark Cuban trong một chia sẻ với Business Insider rằng, anh ước bản thân có thể nhận ra thẻ tín dụng là khoản đầu tư tồi tệ nhất ở tuổi 20.
Để tránh làm tăng nợ thẻ tín dụng, lời khuyên dành cho bạn là hãy giữ chi phí sinh hoạt ở mức tối thiểu. Các phương tiện công cộng hiện rất phổ biến và tiện dụng. Hãy di chuyển bằng phương tiện công cộng nếu có thể, chuẩn bị thức ăn mang đi làm, không mua sắm đồ dùng xa xỉ... Khi bắt đầu có khoản tiền tiết kiệm, hãy mở một tài khoản tiết kiệm có lãi suất tốt.
1. Tăng cường các khoản thu nhập thêm
Đa dạng hóa chính là một quy tắc cơ bản khi nhắc đến đầu tư thông minh. Ở tuổi 30, thay vì "giết" thời gian bằng việc xem TV, hãy sử dụng thời gian rảnh để nghĩ cách tăng cường các nguồn thu nhập bổ sung. Đó có thể là chạy xe ngoài giờ làm, thanh lý những đồ dùng không cần thiết, làm thêm hay làm một nghề tay trái...
Đừng bao giờ giới hạn rằng mình không thể làm được gì để kiếm thêm tiền nữa. Chủ động là điều bạn luôn phải giữ. Bạn cũng có thể yêu cầu cấp trên tăng lương nếu điều đó xứng đáng. Sẽ là một dấu hiệu xấu khi bạn đã 30 mà vẫn chỉ kiếm được số tiền như năm bạn 20 tuổi.
2. Tăng đóng góp cho tài khoản hưu trí
Khi bạn 30, sự nghiệp của bạn đã có những thành tựu nhất định. Đó là lúc thu nhập của bạn tăng lên nhiều so với những năm tuổi 20 và đó là lúc bạn cần nắm vững về vị trí tài chính của mình.
Hãy đánh giá kỹ lưỡng các tài khoản hưu trí của mình để đảm bảo rằng bạn đã đi đúng hướng. Đây là thời điểm tuyệt vời để bạn gia tăng khoản tích lũy cũng như nghĩ đến việc mở nhiều tài khoản tiết kiệm hưu trí.
3. Trao đổi nghiêm túc với bạn đời về vấn đề tài chính
Nếu bạn đang trong một mối quan hệ nghiêm túc, hãy chia sẻ với người ấy về vấn đề tài chính. Cả hai hãy cùng nhau trò chuyện để hiểu hơn về thói quen chi tiêu cũng như mục đích hướng tới. Nếu 2 người có quan điểm khác nhau về tiền bạc, hãy nhanh chóng giải quyết những bất đồng đó trước khi nó phát triển thành vấn đề lớn hơn.
Nhiều người ngại đề cập đến vấn đề tài chính, nhất là trước khi cưới song điều này hoàn toàn rất nghiêm túc và quan trọng. Bạn sẽ không muốn cuộc sống hôn nhân của mình sau này phải căng thẳng vì chuyện tiền bạc phải không?
1. Sống trong khả năng của mình
Càng lớn tuổi, lối sống của chúng ta càng dễ bị ảnh hưởng khi thu nhập của chúng ta tăng lên. Sarah Stanley Fallaw, đồng tác giả của cuốn The Next Millionaire Next Door: Enduring Strategies for Building Wealth, 2 trong số những phẩm chất tiêu biểu của triệu phú là sự kiên cường và kiên trì.
Nếu bạn muốn mua nhà, xe hơi hay một món đồ giá trị nào đó, hãy xem lại tình hình tài chính của mình và đảm bảo rằng bản thân đang phân bổ ngân sách hợp lý. Bên cạnh đó, hãy cân nhắc thật kỹ ưu nhược điểm của thứ bạn đang muốn sở hữu, để xem mình có thực sự cần chúng không.
Thực tế là các triệu phú hiếm khi chi hơn 30% thu nhập của mình cho nhà ở. Theo Sarah Stanley Fallaw, "Giữ chi phí nhà ở mức thấp là quyết sách thông minh dù bạn có bao nhiêu tiền. Động thái tài chính tốt nhất bạn có thể thực hiện chính là chuyển đến một ngôi nhà ít tốn kém hơn".
2. Dạy con cái về tiền bạc và cách chi tiêu
Đừng để sau này hối hận vì đã không dạy con cái mình về tiền bạc và cách chi tiêu sớm hơn. Hãy đảm bảo rằng chúng có một nền giáo dục tài chính mạnh mẽ. Bạn có thể nói chuyện với con về đồng tiền, cách chi tiêu thông qua những câu chuyện nhỏ, cho con biết được những khái niệm cơ bản nhất. Đây sẽ là một trong những hành trang tốt cho con trong sự phát triển sau này.
3. Chăm sóc sức khỏe bản thân
Nhớ rằng, phải luôn luôn ưu tiên sức khỏe của mình ở bất kỳ độ tuổi nào. Càng lớn tuổi, chúng ta càng dễ gặp các vấn đề vì sức khỏe nên độ quan tâm càng phải tăng cao. Một lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc phải một số bệnh.
Theo khảo sát của Gallup được tiến hành năm 2018, gần 44% người Mỹ trưởng thành cho biết, họ lo lắng về việc không thể thanh toán viện phí khi bị bệnh nặng hay tai nạn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn