Đây là những điều cha mẹ cần làm càng sớm càng tốt để bảo vệ trẻ nhỏ trước nguy cơ nhiễm virus corona

11:40 | 01/02/2020;
Một chủng virus mới có tên chính thức là Corona (2019-nCoV) gây viêm phổi cấp đã và đang đe dọa toàn cầu bởi sự nguy hiểm và tốc độ lây lan chóng mặt. Đặc biệt, nCoV trở thành nỗi lo với các bậc phụ huynh có con nhỏ khi sức đề kháng của trẻ kém.

Số trường hợp trẻ nhiễm nCoV mới đã dần tăng lên với trường hợp trẻ nhỏ nhất được chẩn đoán bệnh chỉ 9 tháng tuổi. Cha mẹ nên chủ động trong ngăn ngừa bệnh bằng cách hạn chế yếu tố nguy cơ, phát hiện kịp thời các biểu hiện bất thường của trẻ. Theo các chuyên gia y tế, các bậc phụ huynh nên bình tĩnh và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh quan trọng. 

Mặc dù số người nhiễm bệnh nCoV với tỷ lệ trẻ em là rất thấp, tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc trẻ em không có nguy cơ lây nhiễm. 

1. Con đường lây truyền virus Corona cho trẻ

Virus Corona là một họ virus lớn, phổ biến ở nhiều loại động vật như dơi, mèo, lạc đà. Sau đó, chủng virus này phát triển lây sang người. nCoV có khả năng lây lan từ người sang người thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh.

Người bệnh nCoV có thể lây nhiễm sang trẻ nhỏ thông qua các giọt nước từ người bệnh dính vào tay, miệng, mắt của trẻ. Virus cũng có thể bị lây từ việc trẻ nhỏ chạm tay vào vật mà người bệnh chạm vào sau đó đưa lên mũi, miệng và mắt của mình. 

lam-gi-de-phong-tranh-va-bao-ve-tre-nho-truoc-nguy-co-lay-nhiem-virus-corona-1

Trẻ nhỏ dễ nhiễm virus Corona khi tiếp xúc với người bệnh

lam-gi-de-phong-tranh-va-bao-ve-tre-nho-truoc-nguy-co-lay-nhiem-virus-corona-2

Hình ảnh 3D virus Corona

2. Biểu hiện của trẻ khi bị nhiễm virus Corona

Các biểu hiện của virus corona tương tự như cảm lạnh thông thường. Trẻ mắc bệnh có các triệu chứng như chân tay yếu sức, sốt, ho khan thậm chí ảnh hưởng đến hệ tim mạch, hệ tiêu hóa, hệ thần kinh và mắt.

Một số triệu chứng khác biệt để nhận biết trẻ bị nhiễm virus corona so với cảm lạnh thông thường là tiêu chảy, khó thở (thở quá chậm hoặc quá nhanh, thở quá sâu hoặc quá nông, thở khò khè) thậm chí xuất hiện da tím tái. Khi trẻ nhỏ có các biểu hiện trên, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế ngay lập tức.

lam-gi-de-phong-tranh-va-bao-ve-tre-nho-truoc-nguy-co-lay-nhiem-virus-corona-3

Dấu hiệu trẻ bị nhiễm virus Corona

3. Các biện pháp phòng ngừa virus Corona cho trẻ

Tránh tụ tập nơi đông người- Có thể cho trẻ nghỉ học nếu nghi ngờ triệu chứng hoặc trẻ đang có sức khỏe yếu

Virus Corona phát tán từ người bệnh ra môi trường khi ho, hắt hơi và tồn tại lâu hơn ngoài môi trường khi trời lạnh, tạo điều kiện cho bệnh lây lan. Vì thế, cha mẹ nên hạn chế cho trẻ đến các nơi đông người, không tiếp xúc gần với bất cứ ai có triệu chứng bệnh hô hấp như ho, sốt.

Tránh hôn, tiếp xúc nước bọt với trẻ

Không cho người khác hôn trẻ, dùng chung thức ăn với trẻ và không dùng miệng thổi để làm mát thức ăn trước khi cho trẻ ăn. 

Đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài

Đeo khẩu trang đúng kích thước, đúng cách cho trẻ khi ra ngoài. Đảm bảo khẩu trang che kín miệng và mũi. Tránh chạm vào khẩu trang khi đang sử dụng. Nếu trẻ sử dụng các loại khẩu trang dùng một lần, sau khi sử dụng cần loại bỏ ngay lập tức trong thùng rác có nắp và rửa sạch tay sau khi bỏ khẩu trang. Cho trẻ mặc đủ ấm khi ra ngoài.

lam-gi-de-phong-tranh-va-bao-ve-tre-nho-truoc-nguy-co-lay-nhiem-virus-corona-4

Đeo khẩu trang đảm bảo chất lượng cho trẻ khi ra ngoài

Hạn chế tiếp xúc với động vật

Cha mẹ nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các loại vật nuôi hoặc hoang dã dù là động vật sống, bị ốm hay đã chết cũng như phân của chúng.

Nhắc nhở trẻ rửa tay

Cha mẹ nên thúc giục trẻ rửa tay và mặt thường xuyên, hạn chế đưa tay chạm mắt, mũi, miệng. Rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 40 đến 60 giây trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi chạm vào những đồ vật không sạch sẽ hay các đò vật ở khu công cộng như nút thang máy. Không cho trẻ ngoáy mũi, mút tay, dụi mắt.

lam-gi-de-phong-tranh-va-bao-ve-tre-nho-truoc-nguy-co-lay-nhiem-virus-corona-5

Các biện pháp phòng ngừa virus Corona (Nguồn ảnh: VnExpress)

Giữ vệ sinh và khử trùng nơi ở

Các hộ gia đình nên giữ cho ngôi nhà, căn phòng thông thoáng khí bằng cách mở cửa sổ khoảng 30 phút đến một tiếng mỗi lần, ngày thực hiện 2-3 lần. Khi phòng được thông gió, chuyển trẻ sang phòng khác, không để trẻ bị lạnh trong quá trình thông gió. Khử trùng bề mặt các đồ vật bằng các dung dịch khử trùng an toàn theo khuyến nghị của các tổ chức y tế.

Tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ

Đối với trẻ sơ sinh, cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục duy trì sữa mẹ và chế độ ăn dặm cho trẻ đến khi trẻ được 2 tuổi. Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các loại vitamin và khoáng chất cần thiết mỗi ngày để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. 

4. Chế độ ăn giúp trẻ hạn chế nguy cơ mắc nCoV

Chỉ sử dụng các loại thực phẩm nấu chín

Cha mẹ chỉ cho trẻ sử dụng những thực phẩm được nấu chín và đảm bảo an toàn thực phẩm để giảm thiểu vi khuẩn phát triển. Tuyệt đối không ăn động vật hoang dã. Nên cho trẻ ăn uống tại nhà với các thức ăn đảm bảo vệ sinh.

Tăng cường miễn dịch đường tiêu hóa

Cho trẻ ăn sữa chua lên men tự nhiên để xây dựng hệ vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Bổ sung những thực phẩm nguyên chất, các loại trái cây như táo, chuối, thanh long, đu đủ, măng tây rất giàu prebiotic tốt cho đường tiêu hóa của trẻ. Cha mẹ hãy cảnh giác với chứng khó tiêu và các biểu hiện bất thường của đường ruột của trẻ như đầy hơi, tiêu chảy, táo bón, và màu sắc, số lượng và mùi của nước tiểu để kịp thời thăm khám và điều chỉnh trong chế độ dinh dưỡng.

Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng

Bổ sung dinh dưỡng hàng ngày đầy đủ bằng các thực phẩm giàu protein, rau quả tươi và sạch, các loại hạt. Tăng cường vitamin tổng hợp, khoáng chất, dầu cá tốt cho sức khỏe trẻ.

Cho trẻ uống đủ nước

Cho trẻ uonsg dủ nước mỗi ngày và nên sử dụng nước ấm để tăng tốc độ trao đổi chất của cơ thể kết hợp tiêu thụ các sản phẩm sữa như sữa tươi, sữa chua.

5. Nếu trẻ tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm bệnh, cha mẹ nên làm gì?

Khi trẻ tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm bệnh, cha mẹ nên chủ động cách lý và quan sát trẻ trong 14 ngày. Khi trẻ có biểu hiện ho, sốt, cần cho trẻ nghỉ học, cách ly và đi khám tại các cơ sở y tế. 

lam-gi-de-phong-tranh-va-bao-ve-tre-nho-truoc-nguy-co-lay-nhiem-virus-corona-6

Phát hiện và điều trị kịp thời các biểu hiện nhiễm nCoV- Nguồn ảnh: Bộ Y Tế

Các bậc cha mẹ cần có tâm lý vững vàng, không hoảng loạn trước dịch bệnh để tìm các phương pháp bảo vệ gia đình và trẻ nhỏ. Không che giấu bệnh hoặc chủ quan với các triệu chứng nghi ngờ bệnh. 

Tính tới 10h ngày 01/02/2020, số người mắc bệnh trên thế giới: 11.951 trường hợp, 259 người tử vong. Việt Nam đã có 06 trường hợp mắc nCoV. Trong đó: 02 cha con người Trung Quốc (01 người đã khỏi); 03 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc; 01 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn