PGS.TS.BS Nguyễn Văn Chi, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, trên cổng thông tin điện tử bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Cơ thể chúng ta có cơ chế điều hòa thân nhiệt để giữ cho nhiệt độ cơ thể ở mức cân bằng, quanh 37 độ C. Trong thời tiết nắng nóng, cơ thể chúng ta vừa sinh ra nhiệt trong quá trình hoạt động, vừa hấp thụ nhiệt từ môi trường vào cho nên nguy cơ tăng thân nhiệt do ở lâu trong môi trường nắng nóng là rất cao.
Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, cơ thể chúng ta sẽ thực hiện các cơ chế để điều tiết để giữ thân nhiệt như thở nhanh, dãn mạch dưới da, toát mồ hôi, ức chế quá trình sinh nhiệt trong cơ thể,... Tuy nhiên, nếu ở trong môi trường nắng nóng kéo dài, các cơ chế đó sẽ không còn hiệu quả, khi nhiệt độ tăng lên trên 41 độ C kéo dài, nó sẽ làm ảnh hưởng đến các chức năng của các cơ quan quan trọng như não, tim, phổi, thận và đặc biệt khi nhiệt độ tăng quá cao, các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể sẽ rối loạn nghiêm trọng, dẫn đến hôn mê, co giật”.
Theo nguồn tin từ báo Tuổi Trẻ, sau nhiều ngày nắng nóng kéo dài, đã có nhiều người phải nhập viện điều trị vì mắc các bệnh liên quan tới sự tăng cao của nhiệt độ: “Nhiều người ở Hà Nội phải vào viện điều trị vì viêm da và các bệnh khác liên quan nhiệt độ tăng cao. Tại Bệnh viện Nhi trung ương, mỗi ngày có 2.500-3.500 trẻ đến khám bệnh”.
Bởi lẽ đó, khi đi du lịch vào mùa hè, bạn cần phải đặc biệt lưu ý những điều sau để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Nước chiếm khoảng 70% trọng lượng trong cơ thể, nước hỗ trợ đào thải chất độc, điều chỉnh thân nhiệt, đồng thời đóng vai trò trong hầu hết các trao đổi chất xảy ra trong cơ thể chúng ta.
Trung bình, mỗi ngày cơ thể cần bổ sung từ 1,5 đến 2 lít nước. Khi đi du lịch mùa hè, việc di chuyển nhiều ngoài trời sẽ khiến bạn đổ nhiều mồ hôi, lượng nước bạn cần sẽ nhiều hơn. Bởi khi cơ thể thiếu nước, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, đau đầu, chóng mặt, thay đổi tâm trạng và dễ cáu gắt. Nếu tình trạng thiếu nước kéo dài có thể dẫn đến biểu hiện nặng cần phải đến bệnh viện điều trị như sốt, huyết áp thấp, nhịp tim nhanh, mê sảng, bất tỉnh, tiêu chảy nặng.
Để phòng tránh tình trạng trên, khi đi du lịch bạn cần ghi nhớ: phải luôn mang theo nước bên mình để bổ sung khi cần thiết. Đây là biện pháp hữu hiệu đầu tiên để đảm bảo sức khỏe trong chuyến đi.
Khi tiếp xúc với ánh nắng gay gắt trong thời gian dài mà không có sự che chắn, bảo vệ, mảng da bạn phơi nắng sẽ trở nên đỏ và có thể bị cháy nắng. Làn da cháy nắng không chỉ gây tác hại đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng nặng nề đến thẩm mỹ.
Cháy nắng là tình trạng da trở nên đỏ ửng và bỏng rát khi chạm vào. Các dấu hiệu và triệu chứng của cháy nắng bao gồm:
- Da đỏ ửng
- Cảm thấy đau, rát khó chịu
- Sưng tấy, ngứa ngáy
- Da ấm hoặc nóng khi chạm vào.
- Xuất hiện mụn nước nhỏ, có thể vỡ.
- Nhức đầu, sốt và mệt mỏi nếu bị cháy nắng nặng.
Bất kỳ phần nào của cơ thể, bao gồm cả da đầu, dái tai và môi đều có thể bị cháy nắng.
“Thủ phạm” chủ yếu gây nên tình trạng da bị cháy nắng và xỉn màu là do tia cực tím từ ánh nắng mặt trời. Tia cực tím (UV) tác động lên da và làm hư hại đi cá sợi collagen và elastin tồn tại ở lớp trung bì và hạ bì. Khi tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím trong một khoảng thời gian dài, lớp biểu bì của da sẽ bị tổn thương, dẫn đến hiện tượng đỏ da, cháy nắng.
Bên cạnh đó, trong ánh nắng mặt trời còn có sự góp mặt của tia UVA. Tuy tia UVA không trực tiếp làm đen da nhưng còn độc hại hơn vì chúng có khả năng ăn sâu vào lớp hạ bì của da, phá hủy collagen và elastin, khiến da nhanh chóng mất đi độ đàn hồi và thúc đẩy sự xuất hiện của các vết nám, nếp nhăn, đồi mồi.
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10h - 14h: Đây là khoảng nắng nhất trong ngày. Trong thời gian nắng nóng với tia cực tím đang ở mức cực đỉnh như vậy, làn da sẽ rất dễ bị tổn thương và cháy nắng. Vì vậy, chúng ta nên tắm biển hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong khoảng 10h - 14h để bảo vệ sức khỏe và làn da.
Bảo vệ mắt và vùng da quanh mắt bằng kính mát: Kính mát không chỉ là phụ kiện giúp các bạn có những bức hình trẻ trung, năng động mà nó còn giúp bảo vệ mắt khi phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gay gắt.
Sử dụng trang phục chống nắng: Bạn có thể chọn các loại mũ vành rộng và áo chống nắng để che chắn khi di chuyển.
Sử dụng kem chống nắng: Kem chống nắng được coi là “vũ khí” lợi hại giúp chống cháy nắng. Khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, các biện pháp che chắn như: đội mũ, mặc áo khoác không đủ để bảo vệ làn da. Bạn cần thoa kem chống nắng lên da trước ít nhất 20 - 30 phút trước khi ra ngoài.
Say nắng xuất hiện khi cơ thể không còn khả năng kiểm soát nhiệt độ: thân nhiệt gia tăng nhanh chóng, ra mồ hôi không đủ để giải tỏa nhiệt, cơ thể không thể tự làm mát.
Trường hợp gặp phải các triệu chứng của bệnh say nắng như: chuột rút, mạch nhanh, da nhợt nhạt, buồn nôn, nôn và các triệu chứng khác thì nên di chuyển đến vị trí có bóng mát ngay lập tức. Bạn cần phải di chuyển vào chỗ mát, nằm xuống, uống nước và nới lỏng quần áo, phủ lên người khăn hoặc quần áo ẩm để làm mát và tìm đến sự giúp đỡ người thân hoặc nhân viên y tế.
Để phòng tránh say nắng khi đi du lịch bạn nên chuẩn bị và bổ sung nhiều Vitamin C cho cơ thể từ rau quả. Bên cạnh đó cũng không quên lượng nước cần thiết khi di chuyển bên ngoài thời tiết nắng nóng. Đặc biệt, cần hạn chế ra nắng nếu trời quá nắng nóng.
Khi đi du lịch bạn sẽ rất dễ gặp phải các bệnh về đường tiêu hóa như đầy bụng, chậm tiêu, buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón.
Nguyên nhân: do dinh dưỡng không cân đối, nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn, viêm dạ dày cấp tính, đợt cấp của viêm đại tràng mạn tính hoặc do điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, giờ giấc ăn uống thay đổi, thất thường.
Cách phòng bệnh: ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, hạn chế ăn các loại thức ăn dễ gây kích ứng.
Khi du lịch ở những vùng sơn dã, bạn có thể bị các loài côn trùng gây thương tích, có khi rất nguy hiểm như nhện độc cắn, muỗi và ong đốt... Vì vậy bạn cần chuẩn bị thuốc chống côn trùng và một số vật dụng cần thiết để đảm bảo an toàn cho chuyến đi.
Nhìn chung, để có một chuyến du lịch an toàn, lý thú thì “hành trang” đầu tiên bạn cần chuẩn bị cho mình chính là một sức khỏe tốt. Bởi, có sức khỏe tốt, bạn mới có năng lượng để khám phá các địa điểm mới, thăm quan danh lam thắng cảnh và thưởng thức các món ăn hấp dẫn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn