Xứ Nghệ những ngày giữa tháng 6 trời nắng như đổ lửa. Từ tỉnh lỵ Nghệ An, chúng tôi ngược nguồn gần 300km đến huyện Kỳ Sơn. So với 5 năm trước, con đường từ trung tâm huyện tới các xã đều được trải bê tông phẳng lỳ - một chỉ dấu nói lên kết quả của công cuộc xây dựng Nông thôn mới.
Các bản của người Khơ Mú nơi đây đã đổi thay rất nhiều. Những ngôi nhà sàn mái ngói, nhà xây kiên cố mọc lên san sát…
Những năm 2018-2019, thời điểm công an phát hiện đường dây mua bán bào thai, xã Hữu Kiệm trở thành điểm nóng khi có đến 21 phụ nữ xã này được xác định mang bầu rồi vượt biên ra nước ngoài để bán bào thai.
Những đứa trẻ còn nằm trong bụng mẹ đã bị định đoạt số phận, vừa mới chào đời bị bán như một món hàng để bố mẹ lấy tiền trang trải cuộc sống khiến dư luận bàng hoàng, đau xót. Từ bên kia biên giới, không ai biết số phận những đứa trẻ tội nghiệp ấy sẽ ra sao…
Nhớ lại chuyện đau lòng ấy, ông Lương Xuân Hiền, Bí thư bản Đỉnh Sơn 1, cho biết, đó là thời điểm "đen tối" mà những người Khơ Mú ở đây phải chứng kiến. Theo ông Hiền, vấn nạn mua bán người đã xuất hiện tại bản từ khoảng năm 2010.
Tuy nhiên, vào năm 2018, ông Hiền cũng như nhiều người dân trong bản bất ngờ khi hay tin công an triệt phá đường dây mua bán bào thai. Càng bất ngờ hơn, người thực hiện hành vi ấy là những phụ nữ Khơ Mú quanh năm chỉ biết nương rẫy.
Họ đã bị các đối tượng mua bán người dụ dỗ để rồi gật đầu vượt biên bán con, có trường hợp chỉ cách nhà ông Hiền có vài bước chân như Cụt Thị M.
Cơ quan chức năng xác định, xã Hữu Kiệm có 21 trường hợp phụ nữ mang thai khi sắp đến kỳ sinh đẻ đã ra nước ngoài sinh và bán con. Những người này tập trung chủ yếu ở bản Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2 và Huồi Thợ, riêng bản Đỉnh Sơn 1 có đến 10 trường hợp.
Chủ tịch Hội LHPN xã Hữu Kiệm Mùa Y Xài kể lại hoàn cảnh khó khăn của chị Cụt Thị M. trước khi vượt biên bán bào thai. Chị M. lấy phải người chồng "nát rượu". Họ sinh được 4 người con, chỉ có một mình chị M. làm lụng để nuôi cả gia đình. Chồng của M. luôn chìm trong những cơn say.
Nhà chị M. thuộc diện nghèo nhất bản. Khi cái ăn còn chưa lo đủ, chị M. lại tiếp tục mang thai đứa con thứ 5. Biết được gia cảnh khốn khó của chị, bọn buôn người đã tiếp cận, dụ dỗ M. bán bào thai và người phụ nữ Khơ Mú này đã đồng ý.
Theo lời kể của chị Xài, chị M. đã 2 lần bán bào thai. Đó là các con thứ 5 và thứ 6. Sau 2 lần vượt biên đi bán bào thai, không được chăm sóc hậu sản cẩn thận, lại sinh đẻ quá dày nên sức khỏe của chị M. giảm sút nhanh chóng.
Cách đây hơn một năm, người phụ nữ này tiếp tục mang thai và sinh con nhưng bị tử vong do băng huyết, để lại đứa con đỏ hỏn chưa một lần được bú mẹ. Vợ mất được mấy tháng, người chồng cũng qua đời.
Hôm chúng tôi đến bản Đỉnh Sơn 1, ghé thăm nhà chị M., căn nhà tềnh toàng đóng cửa im ỉm. Một người hàng xóm cho biết, sau khi vợ chồng chị M. qua đời, mấy con lớn rời bản đi làm ăn xa, ít khi về nhà, mấy đứa nhỏ đang nghỉ hè nên theo các chị.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm, cho biết, trên địa bàn xã có 4 dân tộc sinh sống, trong đó người Thái chiếm 60%, người Khơ Mú chiếm 35%. Mặc dù xã đã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới từ năm 2020 nhưng số hộ nghèo và cận nghèo vẫn khá cao, tập trung ở 3 bản người Khơ Mú là Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2 và Huồi Thợ.
Nói về vấn nạn mua bán bào thai, ông Bắc cho biết, năm 2018-2019, khi rộ lên nạn bán bào thai, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đã vào cuộc, ngăn chặn quyết liệt bằng nhiều biện pháp. Mấy năm nay không phát hiện thêm trường hợp nào.
Tuy nhiên, theo nhận định của vị Phó chủ tịch xã này, tình trạng mua bán bào thai đã được chặn đứng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên chính quyền không thể lơ là.
Chỉ tay về phía phòng đối diện, nơi một chiến sĩ công an đang làm việc với một phụ nữ, ông Bắc cho biết, người phụ nữ đó là Lương Thị Biên (SN 1986) trú tại bản Huồi Thợ. Biên vừa bị Công an bắt và khởi tố về tội "mua bán người dưới 16 tuổi".
Biên đã cấu kết với Xeo Văn Hiên (SN 1976, người cùng bản) và Xeo Thị Thành (SN 1994, trú tại bản Chẳm Puông, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) lừa bán 3 bé gái ra nước ngoài để lấy số tiền 165 triệu đồng. Hiên và Thành đã bị bắt giam, riêng Biên đang mang thai nên được tại ngoại nhưng chịu sự giám sát chặt chẽ của lực lượng công an.
Dù đã tuyên truyền rất nhiều và kết quả đã thấy rõ trong những năm gần đây nhưng sau khi Biên và Hiên bị bắt, ông Bắc cũng như nhiều lãnh đạo xã Hữu Kiệm không giấu được nỗi buồn bởi họ hiểu, rất khó giải quyết dứt điểm vấn nạn mua bán người.
Theo ông Bắc, cuộc sống khó khăn, nhận thức hạn chế được xem là nguyên nhân khiến nạn buôn người vẫn âm thầm diễn ra. Những người phụ nữ ở Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2 và Huồi Thợ đã lạnh lùng bán đi những đứa con còn chưa kịp chào đời trước đây cũng vì đời sống khó khăn.
Để ngăn chặn nạn bán bào thai, buôn bán người, xã Hữu Kiệm đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, đầu năm 2022, xã Hữu Kiệm xây dựng "Tổ phòng, chống buôn bán người" với thành viên gồm lãnh đạo UBND, công an, Hội LHPN xã, trưởng các bản.
Nhiệm vụ của Tổ là tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống mua bán người và di cư trái phép; vận động gia đình có phụ nữ mang thai ký cam kết "không bán thai nhi" và giúp thai phụ theo dõi thai kỳ cho đến khi sinh con.
Hiệu quả từ tổ "canh bào thai"
"Tập trung mọi nguồn lực để xã Hữu Kiệm về đích nông thôn mới vào năm 2020 là bước đi đúng đắn khi đời sống của người dân được nâng cao, giúp chấm dứt tình trạng mua bán bào thai ở địa phương", bà Vi Thị Quyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, chia sẻ. Hữu Kiệm từ xã còn nhiều khó khăn đã được đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang. Những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn được tạo điều kiện vay vốn, tạo sinh kế. Đặc biệt, chính quyền đã tổ chức những ngày hội việc làm, đưa doanh nghiệp về địa phương để tuyển công nhân, đã có nhiều người tìm được việc làm. Việc tuyên truyền được tích cực triển khai để người dân hiểu việc mua bán bào thai là vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức. Tại xã Hữu Kiệm, tổ "canh bào thai" đã giúp nâng cao nhận thức pháp luật của người dân. Nhờ đó, tội phạm mua bán người từng gây nhức nhối tại xã được chặn đứng. Đã mấy năm nay, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn cũng như xã Hữu Kiệm không phát hiện trường hợp nào mua bán bào thai.
Bài sau: Dùng "đòn bẩy" kinh tế để đẩy lùi tệ nạn
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn