Đẩy mạnh các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn trong dịp cuối năm

18:45 | 22/11/2024;
Để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong dịp cuối năm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp kết hợp với các chương trình hội chợ, khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị cần chủ động tham mưu cho UBND tỉnh phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết; triển khai biện pháp bình ổn thị trường. Các đơn vị cần phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan chức năng theo dõi sát tình hình sản xuất, khả năng khôi phục sản xuất sau thiên tai để cung ứng nông sản, thực phẩm thiết yếu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; có phương án bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường hàng nông sản thực phẩm…

Để thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp kết hợp với các chương trình hội chợ, khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng.

Đẩy mạnh các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn trong dịp cuối năm - Ảnh 1.

Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, không chỉ tạo ra sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và người dân khu vực nông thôn, mà còn giúp chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người tiêu dùng, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng Việt.

Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán

Chỉ thị  về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cũng nêu rõ, năm nay kinh tế trong nước đã đạt được một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, trước xung đột leo thang ở nhiều khu vực, thị trường các hàng hóa thiết yếu biến động có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hàng hóa trong nước thời gian tới.

CPI bình quân 9 tháng đầu năm tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước, đang trong giới hạn chỉ tiêu Quốc hội giao về kiểm soát lạm phát.

Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, đơn vị thuộc Bộ, các tập đoàn, tổng công ty, công ty và hiệp hội ngành hàng sớm có: kế hoạch sản xuất, kinh doanh; phương án cung ứng hàng hóa và xử lý biến động bất thường của thị trường.

Các đơn vị cần theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu những mặt hàng thiết yếu, nhất là những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn để chủ động có phương án hoặc đề xuất cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn