Sáng nay (19/11), Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 chính thức khai mạc. Tham dự đại hội có 193 đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của phụ nữ các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Bà Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam dự và ông Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình dự và chỉ đạo Đại hội.
Trong nhiệm kỳ vừa qua (2016-2021), các cấp Hội LHPN tỉnh Hòa Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Phụ nữ Hòa Bình đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua như: "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", "Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Cả nước chung tay vì người nghèo- không để ai bị bỏ lại phía sau", "Cán bộ công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở", "Đẩy mạnh cải cách hành và nâng cao chất lượng công vụ"…
Từ phong trào thi đua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã linh hoạt vận dụng, cụ thể hóa thành các phong trào, hoạt động phù hợp với đặc thù địa phương và đối tượng để động viên thu hút hội viên, phụ nữ tham gia như: phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình", "Giúp hộ nghèo có địa chỉ", " Phụ nữ làm kinh tế giỏi", "Phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp", "Mỗi hội viên làm một việc tốt", "Phụ nữ Quân đội phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhân ái, chia sẻ giúp nhau xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững"...
Ngoài ra, các cấp Hội cũng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia và thực hiện tốt Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch" gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị Văn Minh"; giúp hộ nghèo có địa chỉ, xây dựng Mái ấm tình thương, làm đường giao thông nông thôn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, thành lập mô hình kinh tế tập thể, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, mô hình xóm kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu, vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây xanh... Đến nay, toàn tỉnh có 45 loại mô hình với 4.270 mô hình và 481.1344 thành viên tham gia. Riêng về kinh tế, trong nhiệm kỳ qua, Hội đã hỗ trợ thành lập 112 mô hình với tổng số 1.581 thành viên, tập trung vào các ngành nghề sản xuất nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, làm dịch vụ, du lịch....
Các cấp Hội đã tổ chức và phối hợp mở 334 lớp dạy nghề cho 11.029 phụ nữ thuộc các đối tượng nghèo, cận nghèo, khuyết tật, dân tộc thiểu số; Phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, phụ nữ 6.286 cuộc cho 345.730 người; thành lập 6 mô hình. Sau học nghề, tỷ lệ lao động học nghề có việc làm đạt 80% so với tổng số học viên tham gia học nghề.
Hàng năm Hội tổ chức rà soát, đăng ký giúp hộ nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ và tổ chức các hoạt động giúp đỡ. Trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, vận động được 94.780 lượt hội viên giúp đỡ 30.246 lượt hội viên có hoàn cảnh khó khăn ngày công, con giống, tiền mặt… phát triển kinh tế, trị giá 51,418 tỷ đồng; giúp 37.906 hộ nghèo và 8.504 hộ thoát nghèo (Vượt 5.708 hộ so với chỉ tiêu NQ). Trong đó có 2.516 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo.
Trong nhiệm kỳ tới, Đại hội đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm, gồm hỗ trợ phụ nữ phát triển, hội nhập và vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam; Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới và Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.
Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong nhiệm kỳ tới, Hội LHPN Hòa Bình sẽ triển khai các nhóm giải pháp gồm: Tập trung đổi mới rõ nét hơn nữa về nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động của Hội, đặc biệt là truyền thông mang tính tương tác, trên mạng xã hội; đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội; đẩy mạnh công tác phối hợp nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, mở rộng mạng lưới kết nối, khai thác các nguồn lực xã hội hóa; ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, quản lý, tổ chức hoạt động Hội, nắm bắt tư tưởng và những vấn đề của hội viên; phát huy tinh thần làm chủ của phụ nữ.
Các cấp Hội tiếp tục quan tâm làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ gương mẫu, có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, sâu sát, gần gũi với hội viên. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và tổng kết thực tiễn, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, cách làm hay.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, bà Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đánh giá cao những kết quả mà các cấp Hội Phụ nữ Hòa Bình đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua. Theo Chủ tịch, có được được kết quả đó là sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ, hội viên, phụ nữ các dân tộc tỉnh Hòa Bình
Thay mặt Đoàn Chủ tịch TƯ LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hà Thị Nga nhấn mạnh một số vấn đề để Đại hội tiếp tục nghiên cứu thảo luận và tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ 2021-2026.
Thứ nhất, Các cấp Hội phụ nữ tỉnh Hòa Bình cần đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, phát huy tinh thần yêu nước, phẩm chất tốt đẹp của con người Hòa Bình và truyền thống, bản sắc văn hóa Hòa Bình. Trong đó chú trọng xây dựng người phụ nữ Hòa Bình thời đại công nghiệp hóa – hiện đại hóa có tri thức, có sức khỏe, giàu lòng nhân ái, có bản lĩnh và khát vọng vươn lên, có các kỹ năng cần thiết thời kỳ số, trở thành nguồn nhân lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình, tham gia phòng chống mua bán người, phòng chống bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới, tảo hôn và kết hôn cận huyết thống…; chú trọng các mô hình, các hoạt động chăm lo, bảo vệ, phát huy vai trò hội viên, phụ nữ là người dân tộc thiểu số.
Thứ hai, Hội LHPN tỉnh tập trung nghiên cứu để có các giải pháp hỗ trợ phụ nữ tiếp cận thị trường lao động, phát huy vai trò chủ thể trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; chủ động trong tham mưu, đề xuất triển khai các đề án phát triển kinh tế xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, trong đó, đặc biệt chú trọng triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ". Phát huy vai trò nòng cốt vận động phụ nữ tích cực, sáng tạo khởi nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; tham gia tích cực trong phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Phụ nữ Hòa Bình cần phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của các lực lượng phụ nữ, trở thành điểm sáng trong khu vực về phát triển ngành nghề truyền thống, dịch vụ du lịch thân thiện, có trách nhiệm tham gia các mô hình kinh tế tập thể, góp phần giải quyết việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho người dân, trong đó có người phụ nữ.
Thứ ba, cần tiếp tục làm tốt vai trò nòng cốt vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, phát hiện những vấn đề bất cập trong xây dựng và thực thi chính sách để đề xuất chính sách, giải pháp liên quan đến bình đẳng giới, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em. Đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số.
Thứ tư, các cấp Hội phụ nữ Hòa Bình cần nhận thức sâu sắc và đầy đủ về vai trò nòng cốt chính trị, là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với các lực lượng phụ nữ; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành và tổ chức các hoạt động Hội. Đặc biệt, cần tập trung hỗ trợ nâng cao chất lượng tổ chức Hội cơ sở tại các xã tỷ lệ thu hút hội viên thấp, các chi Hội/tổ phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các xã sau sáp nhập đơn vị hành chính. Đa dạng hóa và đảm bảo tính bền vững các mô hình tập hợp hội viên. Tiếp tục phát triển các tổ chức thành viên, thu hút nữ doanh nhân, nữ trí thức trong tỉnh tham gia hoạt động Hội.
Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với công tác Hội; có trình độ, có phương pháp làm việc khoa học, gần gũi cơ sở; hiểu biết sâu sắc chính sách, pháp luật; chủ động, linh hoạt, thích ứng với bối cảnh tình hình mới, nhất là trong điều kiện phải thường trực đối phó với dịch bệnh, thiên tai như hiện nay.
Tiếp tục bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư TƯ Đảng, Tỉnh ủy, TƯ Hội để tham mưu, phát hiện, giới thiệu cán bộ cho hệ thống chính trị. Nhất là cán bộ nữ trẻ là người dân tộc thiểu số, phấn đấu tăng tỷ lệ và nâng cao chất lượng cán bộ nữ tham gia cấp ủy, Hội đồng nhân dân các cấp trong nhiệm kỳ tới.
Thứ năm, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các huyện/thị/thành ủy và Đảng ủy trực thuộc để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới. Phát huy vai trò của Hội trong giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Chủ động cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa 12 về "hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế"; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương".
Cũng tại Đại hội, các đại biểu sẽ bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ mới (31 người); bầu Ban thường vụ (9 người) bầu Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch Hội.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn