Tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học cơ quan; bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cùng nhiều chuyên gia đến từ các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến ở các điểm cầu tỉnh thành.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học cơ quan cho biết, Hội LHPN Việt Nam với vai trò là cơ quan đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, trong thời gian vừa qua, đã chủ động, tích cực đề xuất nhiều chính sách, chương trình, đề án tập trung vào an sinh xã hội, thể chế hóa quy định pháp luật về bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ và tổ chức Hội.
"Việc nâng cao cơ hội tiếp cận chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng yếu thế, nhất là phụ nữ và trẻ em gái là một trong những nội dung quan trọng để phát triển đất nước trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực xóa bỏ bất bình đẳng giới và thực hiện các cam kết quốc tế" - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh và mong muốn Hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia để Hội LHPN Việt Nam tiếp tục tham mưu, phản biện chính sách, góp phần làm tăng khả năng, cơ hội tiếp cận và thụ hưởng chính sách an sinh xã hội của phụ nữ trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, các diễn giả đến từ Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam… đã chia sẻ về những thực trạng chính sách an sinh xã hội hiện nay tại Việt Nam; Khoảng trống chính sách an sinh xã hội cho phụ nữ, trẻ em; Thực trạng phụ nữ tiếp cận chính sách bảo trợ xã hội...
Đặc biệt, Hội LHPN Việt Nam cũng đưa ra những kế hoạch hành động của Hội về việc thực hiện Nghị quyết 42-NQ/TƯ của BCH TƯ Đảng khoá XIII nhằm tăng khả năng, cơ hội tiếp cận và thụ hưởng chính sách an sinh xã hội của phụ nữ.
Cụ thể, cần tập trung quán triệt, tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện Nghị quyết số 42; Tham gia giám sát, phản biện xã hội việc thực hiện Nghị quyết số 42 và pháp luật về chính sách xã hội góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước về chính sách xã hội; Tập trung xây dựng, phát triển các mô hình, hoạt động, dịch vụ hỗ trợ phụ nữ thực hiện chính sách xã hội; Đẩy mạnh hợp tác và tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm quốc tế.
Ngay sau khi tổng kết Nghị quyết TƯ 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, nhằm phát huy những thành tựu đã đạt được và khắc phục những hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển, BCH TƯ Đảng Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TƯ về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn