Khởi nguồn từ một đề tài khoa học vào năm 2013, thương hiệu giấm vải Kim Ngân của chị Bạch Kim Ngân (thị trấn Chũ, tỉnh Bắc Giang) đã được thành hình. Sử dụng các loại trái cây thân thuộc của quê hương như vải thiều, táo mèo, táo xanh, mơ lên men với mật ong, chị đã tạo nên nhiều sản phẩm giấm như: giấm vải thiều mật ong, giấm táo xanh mật ong, giấm táo mèo mật ong, giấm mơ mật ong, giấm tỏi ớt.
Những sản phẩm giấm Kim Ngân made in Vietnam đã liên tục giành được nhiều giải thưởng cao quý như: Huy chương vàng Thực phẩm chất lượng vì sức khỏe cộng đồng, Cúp vàng Sản phẩm chất lượng ASEAN…
Sản phẩm không chỉ được phân phối tại các hệ thống siêu thị lớn trong nước, mà đã có mặt tại 15 quốc gia, được đón nhận, đánh giá cao tại nhiều thị trường khó tính như Australia, Anh, Mỹ, Nhật Bản, Philippines… và đang tiếp cận với các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ.
Chị Kim Ngân cho biết: Đồng hành cùng sự phát triển của thương hiệu, chị đã nhận được sự quan tâm của chính quyền, các bộ, ngành tại địa phương trong đó có Sở Công Thương. Vượt qua khỏi "cánh cổng làng quê", những chị được tham gia nhiều hội chợ giao thương, kết nối, có mặt tại các chương trình xúc tiến thương mại, đưa thương hiệu giấm Kim Ngân đi xa hơn.
Xác định khâu tiêu thụ, tìm kiếm và phát triển thị trường là giải pháp quan trọng nhằm khuyến khích chủ thể chủ động, tích cực tham gia phát triển sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã tạo lập các kênh phân phối trong nước, giúp hàng Việt Nam dễ dàng tiếp cận với thị trường tiêu thụ gần 100 triệu dân đóng vai trò hết sức quan trọng.
Đặc biệt trong thời gian gần đây, người tiêu dùng Việt Nam đã hình thành thói quen lựa chọn, chú trọng những sản phẩm có thương hiệu, uy tín. Do vậy, Vụ Thị trường trong nước nhận thấy việc xây dựng và phát triển các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm đặc trưng của địa phương, đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu rộng rãi sản phẩm đặc sản vùng miền đóng vai trò quan trọng để đưa hàng hóa đến gần hơn với người tiêu dùng.
Theo thông tin từ Vụ Thị trường trong nước, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh công tác truyền thông, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho các sản phẩm dưới nhiều hình thức từ trực tiếp tới trực tuyến, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn, phát triển làng nghề, cải thiện và nâng cao đời sống cho bà con nhân dân.
Cùng với đó, việc tuyên truyền, quảng bá, việc kích cầu tiêu dùng sản phẩm xuất hiện ở nhiều hoạt động khác nhau như lồng ghép vào Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; các Hội nghị kết nối cung cầu quy mô vùng và quốc gia; chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; chương trình đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài…
Xây dựng hệ thống phân phối cho hàng Việt
Bộ Công Thương cũng đã triển khai một loạt các hoạt động kết nối thị trường, tổ chức các Hội nghị, hội thảo nhằm đẩy mạnh việc kết nối cung cầu, tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp nông thôn, nông nghiệp tiêu biểu, các sản phẩm chủ lực của các địa phương, các đặc sản vùng miền.
Tiêu biểu như: Hội nghị "Kết nối các sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP". Hội nghị đã thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp phân phối bán lẻ như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op); Tập đoàn Central Retail Việt Nam (Siêu thị Big C), Công ty TNHH VinaGap Việt Nam (chuỗi cửa hàng Bác Tôm),… đại diện các hãng hàng không lớn (Vietnam Airlines, VietJet Air), các doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế, hàng lưu niệm tại sân bay (Tập đoàn Liên Thái Bình Dương – IPP và các doanh nghiệp thành viên), trạm dừng nghỉ tại các tuyến cao tốc (Trạm dịch vụ V52, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Nam Ninh), đại diện các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các đơn vị kinh doanh lữ hành, khách sạn, du lịch, điểm văn hóa, trạm dừng nghỉ.
Nhờ vậy, bước đầu, các sản phẩm đặck trưng vùng miền, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng miền đã được kết nối vào hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm trên địa bàn cả nước, đã được đưa vào tất cả các hệ thống phân phối lớn trên địa bàn cả nước như Go!, MM Mega Market, Saigon Co.op, Winmart, Winmart+…
Trong thời gian qua, các Tập đoàn phân phối lớn như Central Retail, AEON, Saigon Co.op cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương, đồng hành cùng các địa phương tổ chức các sự kiện kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm tại hệ thống siêu thị như: Tuần lễ sản phẩm đặc trưng vùng miền tại Big C, Hội chợ kết nối sản phẩm tại hệ thống trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON, Tuần lễ Quảng bá nông sản tại hệ thống Saigon Co.op…
Tại các trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc, tại các khu vực bán hàng tại các sân bay, khu du lịch đã có các khu vực, điểm giới thiệu và bán sản phẩm đặc trưng, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững, phục vụ phát triển ngành du lịch, tạo dựng thương hiệu cho địa phương. Đồng thời, các sản phẩm đặc trưng đã bước đầu được đưa lên trên các kênh thương mại điện tử mua sắm trực tuyến như Lazada, Shopee, Tiki, Vỏ Sò, Postmart, trên nền tảng TikTok…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn