Truyền thông về phòng cháy chữa cháy cho gần 500 hội viên, phụ nữ trong mùa nắng nóng

17:03 | 30/04/2024;
Luôn tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, khóa van bình gas mỗi khi nấu ăn xong, không sạc pin điện thoại, máy tính xách tay, xe đạp điện qua đêm, không khóa trái cửa, khi có con đang ngủ trong nhà… là những kiến thức quan trọng trong phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Trong tình hình nắng nóng kéo dài, nguy cơ hỏa hoạn tăng cao, vừa qua, Hội LHPN TP Thủ Đức (TPHCM) tổ chức chương trình truyền thông về PCCC, cứu hộ, cứu nạn, kỹ năng xử lý khi có đám cháy cho gần 500 hội viên, phụ nữ trên địa bàn.

Buổi tuyên truyền được tổ chức sôi nổi và cuốn hút bởi một tuyên truyền viên đặc biệt. Đó là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trung tá Nguyễn Chí Thành, thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu Hộ, Công an TPHCM.

Tại chương trình, trung tá Nguyễn Chí Thành đã phân tích các nguyên nhân có nguy cơ phát sinh đám cháy, minh họa bằng hình ảnh về các vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trung tá Nguyễn Chí Thành còn đặt ra nhiều tình huống khác nhau, để khuyến khích người dân phát biểu, đề xuất biện pháp giải quyết phù hợp nhất.

Nắm bắt tâm lý của nhiều người dân hay tiết kiệm thời gian nên để nhiều đồ dùng bằng điện hoạt động ngay cả khi đi vắng, trung tá Nguyễn Chí Thành đã dẫn chứng bằng những vụ cháy xuất phát từ sự chủ quan, sơ suất. Qua đó, trung tá Nguyễn Chí Thành khuyến cáo nhân dân luôn tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, khóa van bình gas mỗi khi nấu ăn xong, không sạc pin điện thoại, máy tính xách tay, xe đạp điện qua đêm. Đồng thời, nhắn nhủ các bậc cha mẹ đi vắng không khóa trái cửa, khi có con đang ngủ trong nhà.

Đẩy mạnh PCCC cho gần 500 hội viên, phụ nữ trong mùa nắng nóng	- Ảnh 1.

Buổi tuyên truyền PCCC.

Cô Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Thủ Đức, TPHCM) tâm sự: "Buổi học này giúp chúng tôi biết thêm nhiều kiến thức bổ ích. Trước đây, sáng sớm tôi hay cắm phích nồi cơm điện, rồi ra khỏi nhà để trưa về có cơm ăn ngay. Hôm nay được trung tá Thành giải thích, tôi mới biết là không nên vì thiếu an toàn".

Tương tự, bà Vương Ngọc Liên (Tam Phú, TP Thủ Đức, TPHCM) phấn khởi cho biết: "Sau khi được thực hành phương pháp di chuyển, để bảo vệ an toàn cho mình trong trường hợp xảy ra cháy, nổ. Tôi cảm thấy rất tự tin. Tôi sẽ cố gắng tự ôn luyện để thực hiện thành thạo hơn". Chia sẻ của bà Liên đã thể hiện niềm vui của đông đảo hội viên.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Ngọc Hơn, (Tam Bình, Thủ Đức, TPHCM) bộc bạch: "Bình chữa cháy hiện nay rất quen thuộc, nhưng vẫn còn nhiều người chưa biết sử dụng đúng cách. Nhờ tuyên truyền viên chỉ dẫn tận tình nên tôi và các hội viên phụ nữ đã biết thao tác khi thực hành chữa cháy".

Cũng xoay quanh câu chuyện bình chữa cháy, các thành viên dự tập huấn còn được trang bị thêm kiến thức như: Cứ 6 tháng/lần phải nạp lại chất chữa cháy. Những hộ gia đình chưa có bình chữa cháy cần sớm trang bị. Đồng thời, những người tham gia buổi học này sẽ hướng dẫn lại cho người thân, cùng với hàng xóm để cùng nhau "phòng cháy tốt, chữa cháy giỏi". Tùy theo điều kiện và môi trường sống, mỗi gia đình cần chủ động tự trang bị mặt nạ chống khói, thang dây thoát hiểm đối với nhà cao tầng. Sẵn sàng ứng phó khi cần thiết, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ, nhất là giai đoạn nắng nóng vẫn còn đang kéo dài như hiện nay.

Bà Nguyễn Hạnh Thảo, Chủ tịch Hội LHPN TP Thủ Đức, cho biết: "Tất cả 34/34 phường đều đã thành lập Tổ liên gia an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ. Trong đó, nhiều hội viên phụ nữ đã tích cực tham gia mô hình này. Góp phần phòng chống cháy nổ trở thành nhân tố quan trọng trong lực lượng chữa cháy tại cơ sở".

Các cấp Hội LHPN tổ chức thường xuyên những buổi tuyên truyền PCCC với mong muốn trang bị thêm kiến thức cho nhiều chị em hội viên, phụ nữ và người dân, giúp họ hình thành thói quen tốt, phản ứng nhanh khi xảy ra hỏa hoạn, áp dụng những gì được học, giúp đỡ người khác trong khả năng của mình.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn