Người đồng tính Brunei đào tẩu vì sợ hãi
Brunei là một quốc gia Hồi giáo giàu có với dân số khoảng 430.000 người. Từng được Quốc vương Hassanal Bolkiah công bố tháng 4/2014, Bộ luật này được xây dựng dựa trên bộ luật Sharia của Hồi giáo. Sharia là luật Hồi giáo hà khắc với những hình phạt thể chất nặng nề. Khung hình phạt của điều luật được đăng tải trên website của chính phủ Brunei ngày 28/12/2018.
Trước đây, Brunei coi quan hệ đồng giới là bất hợp pháp và áp dụng án phạt lên tới 10 năm tù với bất cứ ai. Với luật mới nặng nề này, Brunei trở thành quốc gia châu Á đầu tiên cho phép ném đá người ngoại tình và người quan hệ tình dục đồng tính đến chết. Brunei không hy vọng thế giới sẽ chấp nhận bộ luật nhưng mong các quốc gia khác tôn trọng quyết định của họ. Luật sửa đổi cũng quy định chặt tay những người phạm tội trộm cắp.
"Thực sự rất đáng sợ. Tôi nghĩ rằng tôi không chấp nhận bộ luật này. Tôi sẽ bị gia đình ruồng bỏ. Tôi chỉ nghĩ, mình sẽ bị gửi đến nhà thờ để nghe các lời giáo huấn, thứ mà họ cho rằng sẽ khiến tôi thay đổi được bản thân mình. Thế nhưng, khi đối diện với việc có thể bị ném đá đếnn chết, tôi sẽ chỉ còn cách rời bỏ đất nước này mà thôi", anh Khairul, một thanh niên đồng tính ở Brunei, đau đớn chia sẻ. Anh cho rằng, bộ luật này là vi phạm nhân quyền với những hình phạt mang tính công kích cá nhân vì họ quan hệ tình dục đồng giới.
Một phụ nữ chuyển giới có tên Zain đã rời Brunei từ cuối năm 2018 để định cư tại Canada. Zain nói rằng với hiểu biết về luật Sharia, cô càng lo ngại. "Tôi sống trong nỗi sợ hãi từ năm 2013. Tôi đã được học ở trường tôn giáo nên tôi biết rõ luật hơn những người bạn không theo tôn giáo của tôi. Tôi rất lo sợ khi luật Sharia được áp dụng", Zain cho hay.
Cô cho biết, bộ luật mới không chỉ ảnh hưởng tới cộng đồng LGBT mà còn có tác động mạnh đến toàn xã hội. Theo cô, Brunei không phải là nơi không còn an toàn và không thể làm những điều cô muốn. "Mọi người đều bị ảnh hưởng. Đó sẽ là một cuộc sống khủng khiếp ngay cả khi bạn không phải LGBT, đặc biệt phụ nữ sẽ chịu tổn thất lớn. Đó không phải nơi tốt đẹp cho tự do và nhân quyền của bạn. Đó là một lối sống hà khắc khủng khiếp", Zain cho biết.
Quá hà khắc và tàn nhẫn
Việc Brunei thi hành các biện pháp hà khắc để trừng phạt một số tội trong xã hội đã vấp phải sự chỉ trích rộng rãi trên thế giới. Các nhóm nhân quyền đã nhanh chóng thể hiện sự lo ngại trước bộ luật của Brunei. “Brunei phải ngay lập tức dừng kế hoạch thi hành những hình phạt tàn khốc này và sửa đổi Bộ luật Hình sự để tuân thủ các nghĩa vụ nhân quyền. Cộng đồng quốc tế phải khẩn trương lên án hành động của Brunei để áp dụng những hình phạt tàn khốc này“, bà Rachel Chhoa-Howard, nhà nghiên cứu về Brunei tại Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết.
Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Michelle Bachelet kêu gọi chính phủ Brunei hủy bỏ bộ luật này bởi bộ luật "tàn nhẫn và vô nhân đạo", vi phạm nhân quyền. "Tôi kêu gọi chính phủ Brunei ngăn chặn việc áp dụng bộ luật hình sự hà khắc này. Bà Bachelet cảnh báo, bộ luật này sẽ đánh dấu sự thất bại trầm trọng trong việc bảo vệ nhân quyền cho người dân Brunei vì khuyến khích bạo lực và phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính, khuynh hướng tình dục và nguồn gốc tôn giáo.
Cộng đồng quyền của người LGBT là ASEAN SOGIE Caucus gọi bộ luật này là sự "què quặt", bởi nó khiến những người LGBT tại Brunei bị tổn thương trước những sự quấy rầy, hăm dọa và mất tự do.
Chính trị gia ở Mỹ, Áo, Anh, Úc, New Zealand đã lên tiếng quan ngại động thái này. Bộ Ngoại giao Mỹ phát thông báo cho biết rất "quan ngại" về quyết định của Brunei và "một số hình phạt trong luật không phù hợp với các ràng buộc về nhân quyền quốc tế". Phía Mỹ phản đối mạnh mẽ các vi phạm nhân quyền và lạm dụng đối với nhóm đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) gồm bạo lực, hình sự hóa vấn đề hoặc hành vi của người LGBT và các hình thức phân biệt đối xử nghiêm trọng khác. Cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden viết trên tài khoản Twitter của mình: "Ném đá một người đến chết vì đồng tính hoặc ngoại tình là kinh khủng và vô đạo đức. Mỗi người sống trên trái đất đều mặc nhiên được đối xử với sự tôn trọng, được sống mà không lo sợ. Không có lý do gì - dù là văn hóa hay truyền thống - cho hành động thù ghét và vô nhân đạo này".
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết quyết định của Brunei về việc thi hành luật Hồi giáo quá tàn nhẫn, vô nhân đạo và kêu gọi hủy bỏ việc thi hành luật này. Trong tuyên bố trên Twitter, ông Kurz viết: "Tôi kêu gọi Quốc vương Brunei và cả với các quốc gia khác có luật lệ tàn ác và vô nhân đạo tương tự, rút lại án tử hình bằng cách ném đá đối với hành vi tình dục đồng giới đồng thuận giữa những người trưởng thành. Không ai nên bị khép tội hình sự vì xu hướng tính dục hoặc giới tính của họ".
Bà Penny Mordaunt, Tổng thư ký của Liên hiệp Vương quốc Anh phụ trách phát triển quốc tế, viết trên Twitter của mình: "Không ai phải đối mặt với án tử hình vì người mình yêu. Quyết định của Brunei là man rợ và Vương quốc Anh sát cánh cùng cộng đồng LGBT và những người bảo vệ quyền của họ. Quyền của người LGBT là quyền con người".
Còn bà Helen Clark - cựu Thủ tướng New Zealand - cho rằng việc đưa bộ luật hình sự mới trong đó quy định xử tử bằng cách ném đá người có có hành vi tình dục đồng tính là một tin sốc. "Khó có thể hiểu những gì đã thúc đẩy một động thái man rợ như vậy, vốn đối lập hoàn toàn với các nguyên tắc cơ bản của quyền con người", bà viết trên Twitter.
Diễn viên hàng đầu Hollywood George Clooney thẳng thắn chỉ trích Brunei, ví sự hà khắc của điều luật mới gần với chế độ độc tài. Ông là người đầu tiên đứng ra kêu gọi tẩy chay các khách sạn có liên quan đến Brunei và được sự ủng hộ của nhiều đồng nghiệp: The Dorchester ở London (Anh quốc); The Beverly Hills Hotel, Beverly Hills, Hotel Bel-Air ở Los Angeles (Mỹ); khách sạn Le Meurice và Hôtel Plaza Athénée ở Paris (Pháp). Ông cho rằng các quỹ đầu tư Brunei rót vốn vào những nơi này. "Mỗi lần chúng ta sử dụng dịch vụ các khách sạn này, tiền đó được đổ về túi cho những kẻ quyết định dùng đá ném đến chết những người có hành vi đồng tính hay ngoại tình", diễn viên này bày tỏ.