Dậy thì từ… tuổi lên 2

12:00 | 17/11/2015;
Khi con gái được gần 2 tuổi có những biểu hiện bất thường ở bên ngực trái, chị Hoàng Thị Hạnh (Long An) đưa con đi khám. Chị ngạc nhiên lúc bác sĩ chẩn đoán bé có những dấu hiệu của bệnh dậy thì sớm, cần điều trị bằng thuốc và tiếp tục theo dõi.

Người mẹ trẻ không hiểu chuyện gì đang xảy ra với con gái mình?

Chị Hạnh đang đọc sách cho con gái 

 

“Bệnh gì mà lạ quá?”

Chị Hạnh (28 tuổi) là viên chức văn phòng của một xã tại huyện Cần Đước (Long An). Chồng chị quê gốc Cà Mau nhưng do gia đình khó khăn nên chuyển tới Long An định cư hàng chục năm qua. Học chung từ khi còn là những đứa trẻ, tình bạn lớn dần và yêu nhau lúc nào không hay. Anh chị quyết định làm đám cưới và cô con gái đầu lòng chào đời chỉ hơn 1 năm sau đó.

“Do lần đầu mang thai nên tôi tìm hiểu mọi kiến thức liên quan đến sức khoẻ trong thai kỳ. Ăn gì tốt cho cả mẹ và bé, nên vận động như thế nào, dưỡng thai ra sao và các dấu hiệu để nhận biết một vài triệu chứng nguy hiểm trong quá trình mang thai, đi khám thai định kỳ theo giấy hẹn của bác sĩ… Rất may, mọi thứ đều suôn sẻ, bé được sinh thường với cân nặng 3,2kg, ăn ngoan và tăng cân đều mỗi tháng”, chị Hạnh kể.

Cũng theo chị Hạnh, do công việc của chị làm gần nhà và cơ quan có chế độ ưu tiên đối với phụ nữ nuôi con nhỏ nên chị có khá nhiều thời gian để chăm con. Khi con gái được 6 tháng tuổi, chị bắt đầu cho con ăn dặm và bổ sung thêm sữa bột, sữa chua với hy vọng con sẽ phát triển tối ưu. Chị bảo: “Lương nhân viên Nhà nước không nhiều nên mọi thứ đều phụ thuộc vào việc kinh doanh của chồng. Hai vợ chồng tự nhủ dù khó mấy cũng phải ưu tiên cho con”. Song, khi con gái vừa tròn 20 tháng tuổi, chị Hạnh phát hiện ngực trái của bé nhú lên không bình thường nên đưa đi khám và nhận được kết luận của bác sĩ: “Không có khối u bất thường, cứ về nhà theo dõi!”.

Những tháng sau đó, ngực phải của bé cũng nhú lên như bên trái nên chị Hạnh đưa con đến BV huyện Cần Đước để khám nhưng cũng nhận được kết luận: “Bị rối loạn nội tiết, sẽ tự hết trong vài tháng tới!”. Linh cảm của người mẹ thấy có điều gì đó không ổn nên chị Hạnh quyết định đưa con đến Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TPHCM) khám và được bác sĩ hướng dẫn qua Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám và điều trị. Khi nghe bác sĩ chẩn đoán con gái mắc bệnh dậy thì sớm, chị Hạnh không thể tin vào tai mình. “Bệnh gì mà lạ quá, con gái tôi mới 2 tuổi, vẫn chỉ là một đứa trẻ được ba mẹ bồng bế trên tay, bé không thể nào đã dậy thì. Tất cả những nghi hoặc trong đầu, tôi đều mang ra hỏi bác sĩ, miệng nghẹn lại, nước mắt thi nhau tuôn rơi vì không biết làm thế nào để có thể chấp nhận căn bệnh mà con gái bé bỏng đang mang trong người”, chị Hạnh nhớ lại.

Chờ đợi và hy vọng

Trong căn nhà nhỏ ở huyện Cần Đước, chị Hạnh vén áo con gái và chỉ cho chúng tôi xem phần nhú lên bất thường ở cả 2 bên ngực bé rồi giải thích cho chúng tôi hiểu những thông tin trong cuốn sổ khám bệnh trong suốt nửa năm qua. Kể từ khi nghe bác sĩ chẩn đoán về tình hình bệnh của con gái, vợ chồng chị đã đi hỏi khắp nơi và tìm hiểu những thông tin về bệnh dậy thì sớm trên internet.

“Trong số tất cả các nguyên nhân tôi biết về bệnh dậy thì sớm như béo phì, ăn những thức ăn có nguồn gốc chăn nuôi công nghiệp, thậm chí nhiều người còn nói bé bị dậy thì sớm do uống nhầm thuốc tránh thai của mẹ..., tất cả những điều ấy đối với con gái tôi đều không có cơ sở, bởi ngoài thịt heo và bò, thức ăn ở nhà đều là những thứ mẹ tôi trồng, nuôi tại nhà, bé không bị béo phì và tôi cũng không sử dụng thuốc tránh thai”, chị Hạnh cho biết.

Cũng theo chia sẻ của chị Hạnh, sau 2 lần tái khám và được kê đơn điều trị, 2 bên ngực nổi sụn như ở tuổi dậy thì của con gái chị dù không giảm đi nhưng cũng không phát triển nhanh như những tháng trước đó, khiến vợ chồng chị tăng thêm niềm hy vọng. “Bác sĩ nói nếu bé bị dậy thì sớm thì có thể dẫn đến những hệ lụy như tự kỷ, tâm lý không ổn định, lão hoá sớm... và đặc biệt là nguy cơ bị lạm dụng tình dục. Vì vậy, tôi chỉ biết cầu nguyện, hy vọng với sự tiến bộ của khoa học và y tế, các bác sĩ có thể chữa trị được bệnh cho con mình. 6 tháng đã qua đi, đối với gia đình tôi là những ngày khó khăn nhất, bé được đi khám theo lịch hẹn của bác sĩ cứ 2-3 tháng/lần và được cho thuốc về điều trị. Lần gần đây nhất tái khám, bác sĩ nói tình trạng bệnh của bé có dấu hiệu tiến triển tốt, tôi chỉ còn biết chờ và hy vọng!”, chị Hạnh bộc bạch.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi


Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh (khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi Đồng 2, giảng viên bộ môn Nhi, ĐH Y Dược TPHCM)

Dậy thì sớm là tình trạng trẻ phát triển các đặc tính sinh dục thứ phát như vú, lông mu, lông nách, nổi mụn, kinh nguyệt... trước 8 tuổi ở nữ, hay phát triển tinh hoàn, dương vật, lông mu, lông nách... trước 9 tuổi ở nam. Trẻ nữ có kinh trước 10 tuổi cũng gọi là dậy thì sớm.

Dậy thì sớm chia làm 2 nhóm: Dậy thì sớm không hoàn toàn: trẻ chỉ phát triển 1 đặc tính sinh dục như vú to đơn thuần, không kèm theo bất cứ triệu chứng gì khác thì thường lành tính; dậy thì sớm hoàn toàn bao gồm dậy thì sớm ngoại biên, ví dụ trẻ có u buồng trứng, bất thường tuyến thượng thận... và dậy thì sớm trung ương, đây là nhóm thường gặp nhất, hay gặp ở nữ, trẻ phát triển tuyến vú, lông mu, lông nách, kinh nguyệt sớm và có chiều cao phát triển hơn so với các bạn cùng lứa. Đa số trẻ không có nguyên nhân (80-90%), một số nhỏ có bất thường ở não như u não, nhiễm trùng...

Điều trị dậy thì sớm tùy theo nguyên nhân. Đối với nhóm dậy thì sớm không hoàn toàn, chỉ cần theo dõi định kỳ mỗi 3-6 tháng; nhóm dậy thì sớm ngoại biên, trẻ cần được điều trị cắt u đối với u buồng trứng hoặc điều trị nội tiết tố đối với bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh gây dậy thì sớm. Với nhóm dậy thì sớm trung ương, nếu bác sĩ đánh giá đây là dậy thì sớm trung ương tiến triển, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ khi trưởng thành thì sẽ điều trị bằng nội tiết tố để ức chế quá trình dậy thì.

Dậy thì sớm ở trẻ có thể gây ảnh hưởng về tâm lý như mặc cảm vì khác biệt so với các bạn cùng lứa, có kinh quá sớm hay tâm lý lo sợ, hoang mang; trẻ có thể bị lạm dụng tình dục; một số trẻ sẽ bị giới hạn về chiều cao khi trưởng thành vì các nội tiết tố sinh dục sẽ làm trẻ tăng chiều cao nhanh nhưng cũng làm đóng các đầu xương nên trẻ sẽ ngừng cao sớm. Vì vậy, khi phát hiện trẻ có một trong các dấu hiệu trên trước 8 tuôi ở trẻ nữ hay trước 9 tuổi ở trẻ nam, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám ngay tại các bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa để được tư vấn về hướng điều trị thích hợp. Ngoài ra, trẻ cần có lối sống tích cực, tránh béo phì vì đây là 1 yếu tố gây nguy cơ của dậy thì sớm.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn