Dạy trẻ biết cảm thông để thành công trong cuộc sống

09:13 | 08/07/2019;
quốc gia được xem là một trong những nơi hạnh phúc nhất thế giới, đã chính thức đưa môn học về sự cảm thông vào trường học, và coi nó là môn học quan trọng, chẳng kém gì toán và văn.
Dạy trẻ sự cảm thông bằng sự chia sẻ ngọt ngào
 
Ở Đan Mạch, giờ học về sự cảm thông không bắt đầu bằng lý thuyết khô khan mà bắt đầu bằng những chiếc bánh ngọt ngào. Những chiếc bánh này do các em thay phiên nhau mang đến lớp chia sẻ cùng các bạn. Trong khi ngồi nhâm nhi vị ngọt của sự sẻ chia trong không khí ấm áp giữa thầy cô và bạn bè, ai cũng muốn mở lòng mình ra chia sẻ. Các em sẽ kể cho nhau nghe những vấn đề mà mình đang gặp phải. Sau đó, cô giáo cùng với bạn bè cùng lớp sẽ thảo luận tìm ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề.
 
a2.jpg
Đan Mạch dạy trẻ trẻ sự cảm thông với người khác bằng cách chia sẻ cùng nhau những điều nhỏ nhặt nhất

  

Mỗi tuần, các em học sinh sẽ có một giờ "vừa học vừa chơi" bên nhau như thế từ ngày đầu tiên đến trường cho đến khi tốt nghiệp trung học. Thầy Jesper Vang, một giáo viên trung học ở Odense nói rằng: “Điều quan trọng là các em phải cảm nhận được rằng câu chuyện của mình luôn được lắng nghe. Vai trò của chúng tôi ở đây là giúp các em hiểu được cảm giác của bạn, tại sao bạn lại có cảm giác như thế. Từ sự lắng nghe và thấu hiểu, chúng tôi sẽ cùng nhau đưa ra giải pháp cho vấn đề”.
 
Hiểu về cảm xúc có thể giúp trẻ đưa ra những quyết định tốt hơn
 
Ở Úc, học sinh từ lớp mẫu giáo đến lớp 6 cũng được dạy về sự đồng cảm bằng những buổi thảo luận về các nội dung do cô giáo gợi ý. Ví dụ như, trả lời các câu hỏi xung quanh những vấn đề thường nhật của các em: Một cuộc thi thể thao có thực sự công bằng không? Trường học có phải là nơi mọi học sinh được đối xử bình đẳng? Giáo viên nên quan tâm tất cả học sinh như nhau hay có một số trường hợp phải được quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn? Nói dối hoặc không giữ lời hứa là sai, trong trường hợp nào thì có thể chấp nhận được?
 
a4.jpg
Để dạy trẻ sự cảm thông, bố mẹ phải là tấm gương về sự quan tâm đến cảm xúc của người khác

  

Từ năm 2010, chương trình dạy về đạo đức và sự đồng cảm đã được đưa vào làm môn học chính tại các trường tiểu học ở xứ sở chuột túi. Các nhà giáo dục nơi đây tin rằng, giúp các em hình thành thế giới quan tích cực từ sớm tốt hơn là đợi đến tuổi trưởng thành mới thay đổi những nhận thức lệch lạc cho các em. Các chuyên gia tin rằng, những kỹ năng này sẽ giúp các em có tư duy phản biện tốt hơn, có kết quả học tập tốt hơn và ra những quyết định cuộc đời tốt hơn.
 
Lời khuyên của chuyên gia dành cho các bậc cha mẹ
 
Bà Laura Dell, một giảng viên tại Đại học Cincinnati (Mỹ) cho rằng: “Để có thể thấu hiểu người khác, trẻ em cần hiểu cảm xúc của chính mình trước. Khi hiểu về cảm xúc của chính mình, các em sẽ biết cách làm chủ cảm xúc của mình và sau đó mới biết cách quan tâm đến người khác."
 
a-6.jpg
Môn học về đạo đức và sự cảm thông được xem là “bài học mới cho những quyết định cuộc đời”

  

Ông Ravi Rao - Bác sĩ, nhà tư vấn tâm lý nổi tiếng ở Ấn Độ cho rằng: “Dạy trẻ hiểu về cảm xúc của chính các em còn quan trọng hơn dạy về màu sắc và số đếm. Mỗi lần đi công viên, thay vì chỉ hỏi các em có bao nhiêu cây cối, những người xung quanh mặc quần áo màu gì. Các vị phụ huynh nên hỏi các con xem người đang ở cạnh họ vui hay buồn. Đồng thời, dạy các con nhận biết một số dấu hiệu cảm xúc trên ngôn ngữ cơ thể. Song song đó, phụ huynh có thể giúp con hiểu thế nào là hành động tích cực, thế nào là hành động tiêu cực, những hành động của mình sẽ tác động đến tâm lý của người khác như thế nào? Ví dụ như: “Con có biết em cảm thấy thế nào khi con giật đồ chơi của em không?”. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là sự gương mẫu của người lớn. Bố mẹ không thể dạy trẻ về tình yêu thương, sự cảm thông trong khi chính bản thân họ thờ ơ với cảm xúc của người khác”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn