Dạy trẻ con ngoan ngoãn, chỉ biết vâng lời là hại các em

14:13 | 28/06/2019;
Đã đến lúc cần thay đổi một số quan niệm trong trường học để có thể bảo vệ trẻ trong môi trường học đường - vấn đề này được các diễn giả đề cập đến trong Tọa đàm “Xâm hại trong học đường” do Báo PNVN phối hợp với CSAGA tổ chức sáng 28/6/2019 tại Hà Nội.

Giao trách nhiệm cho người đứng đầu

Trường học xưa nay trong suy nghĩ của mọi người là một môi trường mà ở đó con người không chỉ được cung cấp, trau dồi tri thức mà còn hình thành, phát triển cả nhân cách. Nhiều năm là nhà giáo, cán bộ quản lý, ThS tâm lý Đinh Đoàn cho rằng, trường học được gắn cho quá nhiều danh hiệu cao quý. “Theo tôi ngành giáo dục nên bớt từ ngữ khẩu hiệu hô hào đao to búa lớn - cần để làm, không phải để nghe cho vui tai…”.

 

dg-copy.jpg
Các diễn giả tham gia Tọa đàm "Xâm hại trong học đường" (từ phải qua): Luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Công ty Luật Fanci; Bà Nguyễn Vân Anh - Chuyên gia về Giới, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA); Nhà giáo, ThS tâm lý học Đinh Đoàn; Nhà báo Quý Hiên, phóng viên Báo Thanh niên.

 

Bản thân ThS Đinh Đoàn cũng từng tham gia rất nhiều lớp tập huấn phòng chống xâm hại cho giáo viên và nhận thấy chính thầy cô cũng không nắm được luật. Có lẽ vì thế nên nhiều người mới hồn nhiên nghĩ, sờ mông, đùi, chạm vào bộ phận sinh dục của học sinh… là một trò vui.

“Cần phải giao trách nhiệm cho người đứng đầu để nếu xảy ra xâm hại trẻ em (XHTE) thì việc đầu tiên thuộc về hiệu trưởng. Các thầy cô cũng cần nắm được luật, nên trích ra những gì liên quan thiết thực nhất để giáo viên nắm được họ làm vậy là phạm luật. Nếu quy định rõ thế nào là an toàn trong trường học thì khi nhận xét, đánh giá một cán bộ, giáo viên sẽ rất dễ dàng vì mọi chuyện đều áp theo quy định rồi”.

 

img_0717.JPG
ThS tâm lý Đinh Đoàn: Cần phải giao trách nhiệm cho người đứng đầu để nếu xảy ra xâm hại trẻ em thì việc đầu tiên thuộc về hiệu trưởng

 

Nhà trường cũng là nơi làm việc, thầy cô cũng là con người phải tiếp xúc với trẻ hàng ngày nên nguy cơ XHTE cũng có thể xảy ra như ở bất cứ môi trường nào khác. Đã đến lúc cần thay đổi quan niệm dạy học sinh ngoan ngoãn, biết vâng lời thầy cô vì thực tế cho thấy làm vậy không khác gì hại học sinh. “Chỉ ngoan ngoãn vâng lời khi con cho những điều đó là đúng. Có như vậy thì không phải giáo viên nói gì cũng đúng và con đều phải nghe theo”.

ThS Đinh Đoàn kể câu chuyện, cháu 3 tuổi nói “ông vô duyên vì ông sờ đít con”. Ông thấy mừng vì trẻ mẫu giáo đã được dạy 3 bộ phận không được cho người khác sờ vào, mông, ngực, miệng. “Hiện nay, các nhà trường cũng mời chuyên gia dạy về phòng chống xâm hại cho trẻ. Họ dạy trẻ không nhận quà từ người lạ, cách thoát hiểm khi gặp nguy hiểm… nhưng không ai nói đến việc giáo viên sờ vào người, rủ đi vệ sinh cùng… thì các con phải phản ứng như thế nào. Chúng ta vẫn né tránh, không dạy trẻ phải cảnh giác với những người thân của mình, trong khi đa số các vụ XHTE là do người thân, người quen biết với trẻ gây ra.

 

Phải có chiến lược đảm bảo an toàn cho trẻ

Đồng tình với chia sẻ của ThS Đinh Đoàn, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA cho rằng, đúng là hiện nay các trường học được gán cho quá nhiều mỹ từ, ngăn cản chúng ta hành động nghiêm khắc giống như với các nơi khác. Không gian an toàn cho trẻ em, nhất là trường học càng cần có biện pháp tốt nhất để đảm bảo an toàn cho trẻ em.

 

dsc_0345.JPG
Giám đốc CSAGA Nguyễn Vân Anh: Trẻ em cả về tinh thần, thể xác, ý thức, hiểu biết, khả năng chống đỡ - mọi mặt đều yếu - nên trường học là nơi càng phải lưu ý hơn đến an toàn cho trẻ khi mối quan hệ quyền lực tồn tại

 

“Trẻ em cả về tinh thần, thể xác, ý thức, hiểu biết, khả năng chống đỡ - mọi mặt đều yếu - nên trường học là nơi càng phải lưu ý hơn đến an toàn cho trẻ khi mối quan hệ quyền lực tồn tại. Hệ thống giáo dục nên có cái nhìn xuyên suốt về vấn đề này để đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh của mình. Muốn thay đổi thì phải có chiến lược đảm bảo an toàn cho trẻ em và cả giáo viên. Khi có chiến lược sẽ lập được các kế hoạch cụ thể. Tập huấn cho giáo viên hàng năm có bao giờ dành thời gian cho việc nói về bình đẳng giới, xâm hại tình dục… chưa? Những vấn đề này không phải chỉ là quy định trên giấy, mà cần phải là sự thấu hiểu nếu không giáo viên sẽ vẫn giữ suy nghĩ ôm hôn học trò một cái thì có làm sao” - bà Vân Anh phân tích và khẳng định: “Không phải chỉ sờ vào vị trí nhạy cảm, mà cần phải ý thức được nếu sờ vào bất cứ vị trí nào trên cơ thể mà khiến người ta khó chịu đều là không được phép”.

 

dsc_0398.JPG
Đông đảo các độc giả, phụ huynh, nhà báo tham gia buổi tọa đàm "Xâm hại trong học đường" tại Báo PNVN

 

Bà Vân Anh tỏ ra lo ngại khi đề cập đến vấn đề cho trẻ học các lớp kỹ năng sống. “Một số chương trình giảng dạy cho trẻ em cách chạy thoát, đánh lại, vặn tay đối phương… Tôi rất lo vì các các vụ XHTD được gây ra bởi người thân, quen… của trẻ. Trẻ dù giỏi mấy thì khi ở trước người to lớn, nặng hơn mình mấy chục cân. Những kẻ tìm cách XHTD trẻ em ngoài sức mạnh, còn có kế hoạch, âm mưu như cho kẹo, tiền, tăng điểm, vũ khí ngọt ngào- chứ không phải lập tức xông vào trẻ nên việc chống cự lại có thể sẽ khiến trẻ bị giết. Dạy trẻ như thế nào cần phải có sự thảo luận, chương trình cụ thể, quy định rõ, không phải ai tự nhận mình là chuyên gia lên truyền hình dạy cho hàng nghìn người là cái gì cũng đúng”. 

* Trong các kỳ họp Quốc hội gần đây, XHTD trẻ em là một trong những chủ đề được nhiều ĐBQH quan tâm, phát biểu, chất vấn. Đặc biệt, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14 vừa diễn ra đã thống nhất lựa chọn chuyên đề để giám sát tối cao trong năm 2020, là "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" bởi đây là vấn đề nóng, được nhân dân và cử tri cả nước quan tâm.

* Tọa đàm “Xâm hại trong học đường” do Báo PNVN cùng với Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (gọi tắt là CSAGA) phối hợp tổ chức với sự tài trợ của Cơ quan viện trợ Australia thông qua tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam.

Bài 2: Khoảng trống của pháp luật trong xử lý xâm hại trẻ em

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn