Dạy trẻ là con một có gì khác biệt?

07:00 | 16/01/2019;
Theo bác sĩ Anh Nguyễn (Vương quốc Anh), những đứa trẻ là con một gần như không có cạnh tranh và không có được tương tác anh - chị - em trong giai đoạn hình thành nhận thức xã hội đầu đời (từ 1-5 tuổi) nên cần có sự khác biệt trong cách giáo dục.
con-mot.jpg
Cha mẹ chỉ nên khen hoặc tán dương khi trẻ có nỗ lực thật sự. Ảnh minh họa

1. Đừng ép hoặc tán dương trẻ quá nhiều

Khác với các trẻ có anh-chị-em, trẻ con một chỉ có 1 mình và cảm xúc sẽ chỉ giữ lại trong trẻ khá lâu. Trẻ có anh-chị-em, khi chơi đùa cảm xúc sẽ được thay thế bằng cảm xúc khác, nhưng trẻ có 1 mình thì phải rất lâu để biến mất. Đây cũng là 1 vấn đề có 2 mặt thuận và trái, dù là cảm xúc tích cực.

Ví dụ, cảm xúc tích cực vừa đủ sẽ giúp trẻ có động lực thúc đẩy, đó là thuận; nhưng quá nhiều thì trẻ lưu giữ lâu hơn và làm trẻ có thể trở nên quá tự mãn hoặc quá áp lực vì được kì vọng quá lớn, thì lúc này nó là trái. Do đó, cha mẹ chỉ nên khen hoặc tán dương khi trẻ có nỗ lực thật sự. Thay vì ép trẻ học hoặc làm điều gì, thì hãy cho trẻ mục tiêu A-B-C để đạt. Khi đạt được A thì đề cập đến B. Khi trẻ không đạt được A thì đó là cơ hội cho trẻ thấy được thất bại, hãy giúp trẻ làm lại.

Tại sao gọi là cơ hội bởi vì với 2 anh-chị-em ngồi chơi với nhau có hàng trăm phép thử, có đứa nhìn, có đứa nói, có đứa khen, có đứa giành làm. Đó là cách học cảm xúc của thất bại, với trẻ là con một thì hầu như trẻ không có trải nghiệm cảm xúc thất bại. Khi cảm xúc thất bại thật sự xảy ra quá lớn trẻ thật sự gặp khó khăn. 
Trải nghiệm cảm xúc thất bại là khởi đầu của sự phát triển cái mới.

2. Hãy là bạn, anh - chị - em của trẻ


Thực ra không yêu cầu cha mẹ phải nhỏ lại để chơi cùng trẻ. Cha mẹ chỉ cần xem trẻ là bạn hoặc anh-chị-em đồng lứa để đừng quá bảo vệ trẻ. Thường cha mẹ giành hết phần khó của trẻ. Với trẻ có anh-chị-em, thì trẻ đôi lúc trở thành người nhường hoặc người được nhường-theo 1 "khái niệm không thể hiểu được" giữa 2 đứa trẻ.

Nếu cha mẹ quan sát 2 đứa trẻ chơi cùng nhau thì sẽ nhận ra khái niệm này, không phải vì lớn-nhỏ, không phải mạnh-yếu, mà có thể chỉ là cách trao đổi/hoán đổi công việc để ai cũng có thể gặp khó khăn và cảm nhận được niềm vui khi chơi. Điều này là học hỏi. Với trẻ là con một phải học hỏi chung với 1 người lớn (cha mẹ), mà cha mẹ luôn "nhường" theo khái niệm của cha mẹ thì trẻ thực sự là người nhận, là người được bảo vệ.

Do đó, hãy cho trẻ thử và trải nghiệm, cha mẹ có thể chơi cùng trẻ, nhưng xem trẻ là bạn. Khi đó, cha mẹ sẽ hiểu cách nhường của trẻ con như thế nào.

 

con-mt.jpg
Hãy đem tình cảm của cha mẹ vào cách cha mẹ trả lời cho trẻ. Ảnh minh họa

3. Hãy trả lời câu hỏi của trẻ bằng trái tim 

Trẻ là con một cần câu trả lời của cha mẹ hơn các trẻ khác bởi vì cha mẹ là người trẻ sẽ học cách nhận phản hồi đầu tiên, trước khi bước sang xã hội lớn như trường lớp, bạn bè. Nhận phản hồi tốt có nghĩa là trẻ có được quan tâm và khuyến khích trẻ đáp ứng lại và tiếp tục có phản hồi trở lại. Đó là kỹ năng giao tiếp, xa hơn là kỹ thuật hùng biện được phát triển trong tương lai. Thử nghĩ, nếu trẻ không nhận được phản hồi tích cực từ cha mẹ, nghĩa là trẻ sẽ tự đóng các cuộc phản hồi.

4. Thế giới rộng lớn, hãy khuyến khích trẻ bước ra


Trẻ là con một thường lầm tưởng thế giới là giống như gia đình mình. Điều này không sai, nhưng nó khó làm trẻ chấp nhận và làm trẻ mất rất nhiều cơ hội thực sự tốt bởi vì trẻ sẽ cảm thấy khá lạ lẫm trong 1 thế giới lớn hơn. Lí do cho vấn đề này không phải do cách giáo dục sai của cha mẹ hay do trẻ học sai điều gì, mà chỉ là do trẻ không có phản biện từ anh-chị-em. 


Làm cách nào mở rộng thế giới cho trẻ? Cần khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động tập thể hay đồng đội, tham các hoạt động cộng đồng (như hoạt động cho các bé bán đồ chơi cũ gây quỹ cho các bạn bệnh tật cần phẫu thuật), các hoạt động thi đua trong khu phố, trường lớp, câu lạc bộ (văn nghệ, nghệ thuật, thi võ lên đai, cờ...).

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn