Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, sáng nay (16/6), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
Các ĐQBH chung nhận định việc cần thiết ban hành chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như Tờ trình của Chính phủ nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.
Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 760.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong cơ cấu doanh nghiệp của Việt Nam, doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp có quy mô nhỏ chiếm hơn 93% và doanh nghiệp có quy mô vừa chiếm gần 4%. Những doanh nghiệp có quy mô nhỏ là các đối tượng dễ bị tổn thương trước tác động tiêu cực của nền kinh tế.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, nêu quan điểm: "Hỗ trợ doanh nghiệp không phải hỗ trợ mấy ông doanh nhân, hỗ trợ doanh nghiệp tức là hỗ trợ nền kinh tế, là vấn đề an sinh, là vấn đề xã hội, vấn đề công ăn việc làm".
Video phát biểu của đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn ĐQBH tỉnh Thái Bình
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, hỗ trợ doanh nghiệp về bản chất và mục tiêu cuối cùng là hướng tới hỗ trợ cho công ăn việc làm, cho sinh kế của người dân. Doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất. Vì vậy, "hỗ trợ doanh nghiệp chính là hỗ trợ cho người lao động chứ không phải chỉ đơn thuần hỗ trợ mấy ông doanh nhân".
Xác định quan niệm như vậy, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, đây chính là một giải pháp hỗ trợ cho an sinh chứ không chỉ là hỗ trợ về mặt kinh tế.
Cũng theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ thường rất nhạy cảm, rất dễ bị đóng cửa nhưng ngược lại, họ khôi phục và mở rộng quy mô nhanh. Đại biểu này cho rằng, tập trung hỗ trợ cho khố doanh nghiệp nhỏ, "kích vào khu vực này là hiệu quả nhất", giúp họp khôi phục nhanh nhất.
Còn đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, cho rằng, Chính phủ trình Quốc hội giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp mang tính chất động viên nhiều hơn. "Doanh nghiệp nhỏ mà có lãi năm nay là những doanh nghiệp anh hùng, rất tuyệt vời".
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, hiện nay doanh nghiệp khó khăn thực sự rất cần chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Đối với khoản vay hiện nay, doanh nghiệp đang rất khó tiếp cận bởi vì hàng hóa đang tồn kho, chưa có thị trường, nên cần phải vay món mới.
Đại biểu này đề nghị các bộ, ngành và Chính phủ nên có thêm gói hỗ trợ khác, cụ thể như hỗ trợ cho Quỹ tín dụng bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng thêm vốn cho quỹ bảo lãnh này để các doanh nghiệp để tiếp cận vốn vay.
Bên cạnh đó, nên xem lại ở những điều kiện để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Theo báo cáo 5 tháng đầu năm, số đăng ký thành lập mới là 48.323 doanh nghiệp, so với cùng kỳ giảm 10,5%.
Số tạm ngừng hoạt động là 26.008 doanh nghiệp và số tạm ngừng này đã tăng 36,4%.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, số doanh nghiệp tạm ngừng là doanh nghiệp chưa bỏ cuộc, vẫn muốn chờ cơ hội và đang kỳ vọng vào sự tiếp sức của Chính phủ. Đại biểu này đề nghị Chính phủ nên quan tâm nhiều hơn với doanh nghiệp chưa rời khỏi thị trường, vẫn muốn chờ cơ hội, vẫn muốn giữ thương hiệu, giữ người lao động của mình.
Video phát biểu của đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn