Tiếp tục Kỳ họp thứ 5, ngày 31/5, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội có chung nhận định năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, tình hình bất ổn của thế giới đã có ảnh hưởng trực tiếp đối với nước ta. Tuy nhiên, tình hình phát triển kinh tế, xã hội của nước ta đã đạt được những thành quả tương đối toàn diện, được cử tri và nhân dân ghi nhận.
Về một số nội dung cụ thể, quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, đại biểu Hà Ánh Phượng - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, cho biết: Hiện nay trẻ mẫu giáo 3- 6 tuổi ở các xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn đang được hỗ trợ tiền ăn trưa và miễn học phí theo quy định. Nhưng trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo ở nhiều khu vực vẫn phải đóng 100% học phí và không được hỗ trợ ăn trưa.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tại các xã có điều kiện kinh tế khó khăn, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ tiền ăn trưa cho tất cả trẻ em trong độ tuổi mầm non ở các xã đặc biệt khó khăn để cha mẹ các em yên tâm sản xuất, ổn định đời sống.
Về chương trình giáo dục phổ thông mới, đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, cho biết: Hiện nay, nguồn lực giáo viên để phục vụ cho công tác giảng dạy theo chương trình mới ở nhiều địa phương còn thiếu. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ tạo điều kiện để các địa phương có thể tự tuyển chọn giáo viên Tiểu học theo tiêu chuẩn như giai đoạn trước.
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Luận, các địa phương sẽ có lộ trình đào tạo, bồi dưỡng đến năm 2030. Đội ngũ giáo viên này đảm bảo đạt được kết quả theo quy định.
Đồng thời, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường ở địa bàn đặc biệt khó khăn, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường thuộc xã trong lộ trình công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Để đảm bảo các điều kiện phát triển khai thực hiện chương trình, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, bổ sung đầy đủ các quy định, hướng dẫn để loại bỏ khó khăn cho các địa phương, nhà trường và học sinh trong triển khai chương trình, đảm bảo hiệu quả, dễ dàng thực hiện.
Tại phiên thảo luận, một số ĐBQH cũng nêu rõ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn chậm do nhiều khó khăn, vướng mắc; trong đó văn bản hướng dẫn còn chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, chưa đủ cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện. Chưa có sự phân cấp triệt để cho các địa phương chủ động tiến hành công việc, nên có nhiều khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công.
Các ĐBQH cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ giao vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021- 2025 giống như đầu tư công cho địa phương để địa phương chủ động trong công tác lập và triển khai thực hiện. Giao vốn sự nghiệp hàng năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia cần giao tổng kinh phí từng dự án thành phần, không giao chi tiết đến lĩnh vực chi để địa phương chủ động phân bổ cho từng lĩnh vực, phù hợp với thực tế của từng địa phương.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn