Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, chiều nay (16/6), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Phần lớn đại biểu bày tỏ đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật này, đặc biệt là việc thay đổi từ phương thức quản lý dân cư một cách thủ công, lạc hậu là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng việc quản lý có ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý cư trú.
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Bế Minh Đức, đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng, bày tỏ lo ngại về tiến độ thực hiện việc chuyển đổi phương thức quản lý dân cư từ sổ hộ khẩu sang quản lý bằng điện tử. Luật này dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2021 và quy định từ thời điểm đó sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị giao dịch quan hệ pháp luật. Theo đại biểu, việc thực hiện cần phải có lộ trình và giải pháp thực hiện đồng bộ, nếu không sẽ gây khó cho người dân và Nhà nước.
Để thực hiện cần có đủ điều kiện, thứ nhất phải hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân. Bởi việc quản lý cư trú mới chỉ có thể vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đều được định danh cá nhân.
Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai thực hiện, đến nay mới có 18 triệu người được cấp mã số định danh, dự kiến đến hết năm 2020 mới hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân với hơn 80 triệu người. "Với tiến độ thực hiện như hiện tại, tôi thấy khó khả thi", đại biểu Bế Minh Đức lo ngại.
Thứ 2, sổ hộ khẩu đang được sử dụng trong nhiều giao dịch pháp luật của người dân; đồng thời các thủ tục liên quan tới sổ hộ khẩu đang được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác như Luật BHYT, Luật Lý lịch tư pháp và nhiều văn bản dưới luật khác.
Để phù hợp với quy định của dự thảo Luật Cư trú, cần hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan và các thủ tục hành chính có liên quan tới việc sử dụng 2 loại sổ hộ khẩu và sổ tạm trú. Trong khi đó, "chỉ còn nửa năm, liệu có đủ thời gian để thực hiện các công việc nêu trên? Nếu không, việc không còn sử dụng sổ hộ khẩu, tạm trú sẽ gây ra tình trạng ách tắc; không đảm bảo quyền lợi và lợi ích của công dân", đại biểu Bế Minh Đức nói.
Đại biểu này đề nghị cần xem xét, xây dựng lộ trình cụ thể, trong đó cần có giai đoạn quản lý điện tử, không cấp mới, sửa đổi sổ hộ khẩu, tạm trú nhưng vẫn công nhận 2 sổ này trong quá trình chuyển đổi.
Bày tỏ sự đồng tình với việc áp dụng khoa học, công nghệ vào quản lý cư trú, đại biểu Triệu Thị Huyền, đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, cho rằng, sổ hộ khẩu đã tồn tại suốt 70 năm qua được thay thế bằng mã số định danh cá nhân và ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thủ tục hành chính, đây là sự thay đổi tích cực, phù hợp với xu hướng phát triển.
Trong quá trình chuyển đổi này, theo đại biểu Triệu Thị Huyền, cần phải có lộ trình cụ thể phù hợp với tốc độ cấp mã số định danh cá nhân do Bộ Công an đang triển khai. Trong quá trình đó, vẫn phải tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu với các trường hợp chưa kịp chuyển đổi, đảm bảo cho việc giao dịch của người dân diễn ra bình thường.
Đại biểu Triệu Thị Huyền cũng nêu vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm là vấn đề đảm bảo bí mật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong quy định về các hành vi bị cấm, đại biểu này đề xuất Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm 1 điều khoản về hành vi bị nghiêm cấm: "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để khai thác thông tin, tiết lộ bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về cư trú trái với quy định của pháp luật.
Còn đại biểu Lê Quang Trí, đoàn ĐBQH Tiền Giang, cho rằng, thực tế hiện nay, nhiều công dân sinh sống làm việc lâu dài, thường xuyên là nơi không phải nơi đăng ký thường trú. Có nhiều quy định của cơ quan, đơn vị "ăn theo" hộ khẩu thường trú, đăng ký tạm trú, gây ảnh hưởng quyền lợi của người dân.
Đại biểu này đề xuất bổ sung thêm một hành vi bị nghiêm cấm là "cấm các cơ quan, đơn vị ban hành các quy định dựa vào thông tin đăng ký thường trú, tạm trú làm hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của người dân".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn