40% phụ nữ, trẻ em gái NKT từng ít nhất bị 1 lần bạo lực tình dục
Sáng nay, 6/8, Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp nghe giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với NCT và NKT. Chất vấn tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên TƯ Đảng, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPNVN, Ủy viên Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội - đưa ra 3 vấn đề liên quan đến 2 đối tượng này.
Vấn đề đầu tiên được bà Nguyễn Thị Thu Hà đặt câu hỏi là việc tiếp cận các công trình công cộng của NKT. Theo Nguyễn Thị Thu Hà, các quan điểm, chủ trương, chương trình hành động quốc gia đề cập nhiều về chỉ tiêu làm thế nào để NKT tiếp cận các công trình công cộng.
Tuy nhiên, thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy tỷ lệ tiếp cận cao nhất là công trình y tế (22,6%), tiếp đến là tỷ lệ tiếp cận về công trình giáo dục (20,8%), nhà triển lãm, nhà trưng bày (13,2%), trung tâm hội nghị, trụ sở cơ quan (11,3%), siêu thị (5,7%), nhà thi đấu, bưu điện, nhà ga, cửa khẩu (3,8%), nhà dưỡng lão, câu lạc bộ hưu trí (7,5%), ngân hàng (2%). Con số này là quá thấp so với chỉ tiêu đề ra trong Đề án.
“Đề nghị Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải cho biết có kế hoạch gì để đạt được mục tiêu trong đề án mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là đến năm 2020 đạt 100% các công trình công cộng đạt chỉ tiêu này?”, bà Nguyễn Thị Thu Hà chất vấn.
Vấn đề thứ hai được Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà quan tâm chất vấn là việc đảm bảo an toàn cho NKT và NCT trước nạn bạo lực gia đình và xâm hại tình dục. Dẫn các báo cáo, trong đó có báo cáo của Bộ VHTTDL, nhấn mạnh năm 2018 có khoảng 1.500 người NCT là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, trong các nghiên cứu có con số đáng suy ngẫm: 40% phụ nữ và trẻ em gái NKT đã từng ít nhất 1 lần bị bạo lực tình dục. Với nhiều lý do khác nhau, đối tượng này rất khó trong khả năng tự vệ. Bà Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị Bộ VHTTDL, Bộ LĐTBXH nêu giải pháp, kế hoạch để bảo vệ đối tượng phụ nữ, trẻ em NKT hoặc phụ nữ NCT khỏi bạo lực, xâm hại.
Vấn đề cuối cùng được chất vấn là giáo dục trẻ khuyết tật. Theo bà Thu Hà, báo cáo quy mô điều tra quốc gia về NKT ở Việt Nam năm 2016 vừa công bố tháng 1/2019 cho thấy, tỷ lệ trẻ em tham gia các bậc học là NKT còn đang bất bình đẳng. “Hiện chỉ 1/3 trẻ em NKT đi học, càng lên cao tỷ lệ này càng thấp. Việc trẻ em NKT học chung với trẻ em khác về chung giáo trình hiện nay theo số liệu chỉ có 2% trường tiểu học và THCS có thiết kế phù hợp với đối tượng học, chỉ 1/7 số trường có giáo viên được đào tạo riêng cho NKT - tỷ lệ rất thấp so với yêu cầu. Giải pháp của Bộ GD&ĐT như thế nào về vấn đề này?”, bà Thu Hà chất vấn.
Bạo lực, xâm hại ở nhiều nơi nhưng địa phương còn "lơ mơ"
Trả lời về các vấn đề liên quan đến nạn bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, phụ nữ, trong đó có 2 đối tượng trên, ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, cho biết, thời gian qua, về cơ bản hệ thống chính sách pháp luật tương đối hoàn thiện liên quan đến NKT, NCT.
Tuy nhiên, yếu nhất hiện nay là khâu thực hiện chưa tốt, trong đó diễn ra chủ yếu ở các cơ sở xã phường, các cơ quan đơn vị. Theo ông Dung, sự yếu kém thể hiện ở 3 vấn đề: Nhận thức ở một số bộ phận chưa tốt, coi NKT là một gánh nặng - là điều rất xấu, cần lên án. Thứ 2 chính sách có rồi nhưng việc tổ chức thực hiện chính sách chưa nghiêm, nhiều nơi “lơ mơ”, ví dụ chính sách trợ giúp đối với NKT, người bị xâm hại nhưng tổ chức thực hiện không chú ý.
“Vừa qua, bạo lực xâm hại trẻ em diễn ra nhiều nơi, ta có đủ chính sách hỗ trợ nhưng địa phương… không biết. Tôi đi kiểm tra thì thấy, 2/3 đối tượng bị xâm hại không được trợ giúp, hỏi xã thì xã bảo không nắm được, trong khi đó công tác thanh kiểm tra, xử phạt thực hiện chưa nghiêm”, ông Dung nói.
Riêng với vấn đề bạo lực trẻ em, phụ nữ NKT, ông Dung cho biết tán thành với ý kiến của bà Nguyễn Thị Thu Hà, đồng thời khẳng định thời gian tới sẽ phải thực hiện được “3 nhất” về vấn nạn này.
“Đó là xử lý nhanh nhất các vụ bạo lực xâm hại trẻ em, nhất là khi đã phát hiện. Thứ hai là xử lý nghiêm minh nhất trên cơ sở các chế tài. Xâm hại bạo lực trẻ em, phụ nữ có những chứng cứ đòi hỏi khó hơn so với một số lĩnh vực vi phạm khác, do đó hiện nay, Bộ Công an đang xây dựng quy trình tiến hành chặt chẽ các bước xử lý vi phạm. Thứ ba, hỗ trợ kịp thời nhất người bị xâm hại, bạo lực hay đối tượng buôn bán phụ nữ, trẻ em. Giải pháp tổng thể lâu dài phải làm bài bản, căn cơ hơn, có lẽ phải xây dựng đề án phòng chống xâm hại bạo lực trẻ em, phụ nữ bài bản hơn”, ông Dung nêu vấn đề.
Giải trình rõ hơn về nạn bạo lực gia đình, trong đó có đối tượng là phụ nữ NCT, NKT, ông Lê Quang Tùng - Thứ trưởng Bộ VHTTDL - cho biết, thống kê cho thấy số lượng các vụ bạo lực gia đình trong 10 năm qua đã giảm, trong đó đối tượng bị bạo lực là NKT và NCT cũng giảm theo với tỷ lệ giảm là 8 - 10%/năm.
Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề gây nhức nhối. Thời gian tới, đại diện Bộ VHTTDL khẳng định sẽ triển khai một số nội dung như hoàn thiện đề án về nâng cao giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, ban hành bộ quy tắc ứng xử trong gia đình, trong đó tập trung nội dung con cháu ứng xử với ông bà, NCT và vấn đề phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình. “Chúng tôi chỉ đạo trực tiếp triển khai ở 13 tỉnh/thành và nhiều địa phương khác đã đăng ký cùng thực hiện”, ông Tùng nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, nguồn lực giáo viên hiện huy động theo hướng tập trung bồi dưỡng cho giáo viên liên quan đến năng lực giáo dục học sinh khuyết tật được học hòa nhập. Bên cạnh đó, hiện có 2 trường đại học và 3 trường cao đẳng có chương trình đào tạo ngành giáo dục đặc biệt. Các cơ sở giáo dục hòa nhập được đưa vào là một trong các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, vừa được thông qua ở Luật Giáo dục cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, hộ trợ nâng cao năng lực giáo viên.
Tỷ lệ công trình công cộng hỗ trợ NKT quá thấp so với chỉ tiêu đề ra
Trả lời chất vấn của bà Nguyễn Thị Thu Hà liên quan đến việc thực hiện mục tiêu đề ra của Chính phủ về việc 100% công trình công cộng hỗ trợ NKT vào năm 2020, ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng - cho biết rất khó để thực hiện mục tiêu này.
Theo ông Sinh, năm 2014, Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với đầy đủ quy định hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến NKT, trong đó có quy chuẩn số 10 như về xây dựng bãi đỗ xe, điểm chờ xe bus, lối vào, cửa, thang máy, các không gian công cộng, lối thoát, đường vào hè phố, dấu hiệu cảnh báo, biển chỉ dẫn…
Việc kiểm soát các công trình này cũng được chuyển từ hậu kiểm sang tiền kiểm, tuy nhiên thực tế trước cho thấy chủ đầu tư chưa quan tâm đúng mức đến nội dung trên, do vậy khi ban hành Nghị định nói trên thì công tác thẩm định được thực hiện nghiêm túc, đã được yêu cầu 100% đảm bảo quy chuẩn số 10 để tạo điều kiện cho NKT tham gia giao thông công cộng.
Tuy nhiên, kết quả còn nhiều hạn chế, cả nước chỉ có 22,6% số công trình y tế, 22,8% công trình giáo dục để NKT tiếp cận tốt nhất. Theo ông Sinh, con số hiện hữu tại thời điểm này là ở các công trình cũ, giai đoạn trước thời điểm ban hành Luật Người khuyết tật. Đây là hạn chế cần khắc phục sớm. “Mục tiêu là năm 2020 đảm bảo 100% nhưng đến giờ vẫn chưa đạt được kết quả đặt ra. Chúng tôi sẽ tiến hành rà soát, có biện pháp cụ thể để sớm đảm bảo mục tiêu đề ra theo quy định” - ông Sinh nhấn mạnh.
Còn theo đại diện Bộ GTVT, năm 2012 đã ban hành thông tư số 39 về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với NKT khi tham gia giao thông. Hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo xây dựng bộ khung phổ quan về giao thông tiếp cận cho NKT sử dụng.
Kết luận buổi làm việc, bà Nguyễn Thúy Anh (ảnh trên) - Ủy viên TƯ Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho biết, đề nghị Bộ Xây dựng tăng cường chỉ đạo thanh kiểm tra các công trình công cộng mới, sửa chữa các công trình công cộng cũ về các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng để đảm bảo kỹ thuật với NKT, xử lý nghiêm với các hành vi vi phạm quy định. Bộ GTVT rà soát kiểm tra đảm bảo các công trình giao thông công cộng đảm bảo cho NKT tham gia giao thông, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm khuyết tật giao thông. Bộ VHTTDL thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực gia đình, đặc biệt đối với NCT, NKT. |