Giảm bao nhiêu giờ mới dung hòa các bên?
Tiếp thu giải trình các ý kiến khác nhau về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hiện một số ý kiến ĐBQH và nhiều Đoàn ĐBQH đề nghị nghiên cứu để quy định NLĐ làm việc theo chế độ 44 giờ/tuần – giảm 4h so với quy định giờ làm việc hiện hành là 48h/tuần.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giảm thời giờ làm việc bình thường là vấn đề được xã hội quan tâm, tác động nhiều bên liên quan. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo chưa có đánh giá tác động toàn diện. Mặt khác, đề xuất này chưa nhận được sự đồng thuận của cơ quan soạn thảo và giới sử dụng lao động. Do đó, cần có thêm thời gian để đánh giá tác động đầy đủ, cũng như cần có quá trình chuẩn bị, thích ứng của nền kinh tế.
Thảo luận tại Quốc hội về vấn đề này, ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) khẳng định xu hướng giảm giờ làm là phù hợp với tiến bộ, trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất, đảm bảo tăng năng suất lao động phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, giảm giờ làm sẽ giúp NLĐ duy trì được sức khoẻ, khả năng tái tạo sức lao động cũng như có thời gian chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội.
Với mức 48h/tuần, ĐB Thúy cho rằng số giờ này hiện cao hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới. Trong khi đó, theo Quyết định 188 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ, và hiện đã thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần trong các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị xã hội. Trong khi đó, khối ngoài nhà nước, NLĐ vẫn phải làm vượt số giờ nói trên.
“Tôi đề nghị quy định thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ/ngày và không quá 40 hoặc 44h/tuần. Vì nếu chỉ quy định nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40h như trong dự thảo thì không giải quyết được vướng mắc một cách triệt để và không đồng đều giữa các doanh nghiệp” – ĐB Ma Thị Thúy đề xuất.
Trước một số đề xuất về việc giảm hẳn giờ làm việc của NLĐ từ 48h/tuần xuống còn 40h, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng cần cân nhắc về số giờ giảm sao cho dung hòa được các bên liên quan.
Theo ông, nên chọn phương án dung hoà, đó là từ 48h xuống còn 44h/tuần. Đây là việc làm vừa mang tính nhân văn, vừa thể hiện được sự quan tâm của Quốc hội đối với người lao động. “Nếu xuống đến 40h thì cũng không được, làm như thế rất đột xuất, sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp và của quốc gia” – ĐB Phương phân tích.
“Nước càng nghèo, thời gian lao động càng tăng lên!”
Giải trình làm rõ thêm về vấn đề này, ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết đây là vấn đề lớn, có tác động đến tất cả các chủ thể liên quan. Theo luật hiện hành thời gian làm việc bình thường hiện nay là 48h/tuần, trong luật cũng quy định khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40h.
Qua báo cáo đánh giá của Bộ LĐTBXH, hiện nay có 89,6% doanh nghiệp đang thực hiện 48h, 3,6% thực hiện 44h, 6,8% thực hiện 40h. Trong báo cáo cũng nêu rõ, hiện nay 10 nước Asean có 8 nước bố trí 48h như Việt Nam. Có 2 quốc gia bố trí thấp hơn là Singapore và Indonesia. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của Singapore năm 2018 là 65.000 USD/người/năm - gấp 12 lần Việt Nam.
Ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, người ta tính toán nước càng giàu thời gian lao động càng ít, nước càng nghèo thời gian lao động càng tăng lên. Indonesia hiện nay với dân số 270 triệu dân, tỷ lệ thất nghiệp của Indonesia là 6%.
“Khi chúng tôi sang nghiên cứu ở Indonesia họ nói là tại sao chúng tôi phải giảm giờ, họ đặt ra vấn đề giảm giờ, thời gian làm việc để chia sẻ công việc làm cho mọi người. Họ phải chấp nhận như vậy để chia sẻ việc cho nhiều người, tránh tình trạng thất nghiệp cao lên” – ông nói.
Đứng về góc độ kinh tế, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nếu giảm từ 48h xuống còn 44h thì Chính phủ chưa trình vấn đề này. Nếu giảm 4h thì theo tính toán sơ bộ của Bộ LĐTBXH, tổng chi phí lao động sẽ phải tăng lên 17%, tổng giá trị xuất khẩu sẽ giảm đi khoảng 20 tỷ USD mỗi năm. Điều quan trọng hơn là tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm đi 0,5%.
Ông Dung cho biết, Việt Nam đang nỗ lực rất lớn để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp. Tính bình quân các chuyên gia dự báo nếu muốn không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp thì Việt Nam hiện nay phải phấn đấu làm sao tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7%.
“Chính vì vậy, đây là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng với quốc gia, cần phải đánh giá một cách rất kỹ lưỡng. Chúng tôi đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ nghiên cứu để đến thời điểm thích hợp chúng ta sẽ giảm giờ làm việc” – ông Đào Ngọc Dung nói.