PV: Thưa bà, Hội LHPN Việt Nam đã có những chỉ đạo gì triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ Năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới?
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương: Là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam luôn chú trọng các hoạt động nâng cao vị trí, vai trò của phụ nữ trong gia đình, xã hội; đặc biệt là tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển KTTT.
Thực hiện chủ trương "Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị...", Đoàn Chủ tịch TƯ Hội đã chỉ đạo Hội LHPN các cấp xác định rõ trách nhiệm, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao năng lực để cán bộ, hội viên, phụ nữ nhận thức đúng, đủ về bản chất, vị trí, vai trò, tầm quan trọng, lợi ích của KTTT và tích cực tham gia phát triển KTTT, hợp tác xã (HTX); lồng ghép, gắn công tác phát triển KTTT với thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ.
Thời gian qua, TƯ Hội đã tham mưu thành công Đề án 01; ký kết Chương trình phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam về việc hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030; chương trình phối hợp công tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và phát triển KTTT giai đoạn 2024-2027.
Hội LHPN các tỉnh, thành phố chủ động, tích cực tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch/chương trình thực hiện Đề án 01; đề xuất hoạt động phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam trong tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển KTTT, HTX và Đề án 01.
PV: Xin bà cho biết Đề án 01 có ý nghĩa thế nào trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trên lĩnh vực KTTT, HTX?
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương: Đảng, Nhà nước luôn khẳng định: KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, cần được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước để trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân; ưu tiên các hoạt động thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ nâng cao quyền năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Chiếm 46,7% tổng số lao động có việc làm nhưng tỷ lệ lao động nữ được đào tạo thấp, chỉ chiếm 26,7% (1) nên họ làm các công việc đơn giản, lương thấp. Trong khu vực KTTT cũng thế, HTX có phụ nữ tham gia quản lý chỉ ước đạt 17,8%; HTX vừa có phụ nữ quản lý, điều hành, vừa có tỷ lệ lao động nữ cao ước đạt 8,6%-12,4% (2).
Là đề án về KTTT đầu tiên tính đến đặc thù của phụ nữ, Đề án 01 là một trong những giải pháp phát huy vai trò của phụ nữ thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KTTT, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động - việc làm, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Với các giải pháp và hoạt động thiết thực, Đề án 01 có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chỉ tiêu "Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, HTX đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030" được đề ra trong Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới 2021-2030.
PV: Qua gần 2 năm triển khai Đề án 01, xin bà đánh giá tác động của Đề án trong hỗ trợ tạo việc làm cho lao động nữ?
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương: Với sự nỗ lực, chủ động, tập trung nguồn lực, tăng cường phối hợp, công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển KTTT, HTX, triển khai Đề án 01 của các cấp Hội đã đạt được nhiều kết quả, tác động tích cực đến sự tham gia của phụ nữ vào khu vực KTTT, tạo việc làm cho lao động nữ.
Công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao năng lực về KTTT và các nội dung của Đề án 01 được triển khai sâu rộng trong toàn hệ thống Hội với nhiều hình thức đa dạng, nâng cao nhận thức, hiểu biết của phụ nữ, người dân về lợi ích của KTTT, vai trò của phụ nữ trong khu vực KTTT;
khơi dậy tiềm năng, ý thức, sức sáng tạo của phụ nữ tham gia phát triển KTTT, HTX; nâng cao năng lực của cán bộ Hội các cấp trong công tác hỗ trợ phụ nữ tham gia thành lập, phát triển KTTT, HTX.
Năm 2023-2024, TƯ Hội đã phối hợp với các cấp Hội tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng quản lý, điều hành, xây dựng kế hoạch, ứng dụng khoa học công nghệ, đăng ký sản phẩm OCOP, hỗ trợ xúc tiến thương mại… cho 3.600 thành viên, ban lãnh đạo HTX, tổ hợp tác;
nâng cao năng lực về KTTT, HTX cho 1.800 cán bộ Hội không chuyên trách cấp xã. Hội LHPN các cấp hỗ trợ thành lập mới 450 HTX, duy trì hoạt động trên 1.800 HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nữ, trong đó đa phần là phụ nữ nông thôn, vùng dân tộc, miền núi khó khăn.
Những phụ nữ quản lý, điều hành HTX đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy KTTT, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới. Bằng sự nỗ lực, thành công của mình, các chị đã khẳng định:
Phụ nữ hoàn toàn đảm nhận được vị trí quan trọng và đạt được thành tựu trong kinh tế. Sự hiện diện của các chị không chỉ phản ánh sự tiến bộ về bình đẳng giới, mà còn mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng và xã hội.
PV: Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, xin bà cho biết có những định hướng, chỉ đạo gì trong thực hiện Đề án 01 thời gian tới?
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương: Đề án 01 có ý nghĩa rất lớn đối với sự tham gia của phụ nữ trong khu vực KTTT, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Năm 2025, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục tham mưu Ban Điều hành Đề án cấp Trung ương chỉ đạo phát huy vai trò của thành viên Ban Điều hành trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án;
huy động, lồng ghép các nguồn lực thực hiện các hoạt động của Đề án đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế, tập trung vào các hoạt động:
1) Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành để làm tốt vai trò đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Đề án.
2) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KTTT, HTX; hỗ trợ phụ nữ tham gia thành lập, phát triển KTTT, HTX.
3) Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng của cán bộ Hội, thành viên, ban quản lý HTX.
4) Hỗ trợ các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… để hỗ trợ các HTX tiếp cận tín dụng phát triển sản xuất, kinh doanh.
5) Biểu dương, tôn vinh, lan tỏa điển hình là các tập thể, cá nhân trong xây dựng, phát triển KTTT, HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!
-----
(1). Niên giám thống kê năm 2022
(2). Liên minh HTX Việt Nam
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn