Sáng nay (1/11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Đại biểu Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) đã đề cập đến vấn đề về bình đẳng giới - một trong nội dung quan trọng song chưa được đưa vào Đề án.
Theo Đại biểu Lê Thị Nguyệt, đồng bào dân tộc thiểu số cần được tính toán cơ hội bình đẳng giới trong mọi giải pháp, các hoạt động thực tế đầu tư cho vùng, các chính sách. Đặc biệt là giải quyết kịp thời các vấn đề cấp thiết cho phụ nữ, trẻ em, giúp họ phát triển toàn diện thể lực, trí lực và tâm lực. quan điểm về bình đẳng giới cũng làm cơ sở cho việc xác định các dự án lồng ghép giới trong các nhiệm vụ, giải pháp liên quan của đề án.
“Đề án tuy đã dành nội dung riêng liên quan đến phụ nữ và trẻ em, song chưa có nội dung về bình đẳng giới, vì vậy theo tôi cần bổ sung cho đầy đủ. Nội dung này không chỉ hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà còn thực hiện việc lồng ghép giới, phản biện xã hội dưới góc độ giới trong xây dựng văn bản pháp luật, chính sách, chương trình, dự án…” - Đại biểu Lê Thị Nguyệt nhấn mạnh
Đồng tình với quan điểm trên, Đại biểu Nguyễn Thị Thảo (đoàn Nghệ An) cho rằng, bình đẳng giới là vấn đề quan trọng trong giảm nghèo bền vững. Thậm chí, hạn chế lớn nhất trong kìm hãm phát triển của đồng bào thiểu số hiện nay chính là tình trạng bất bình đẳng giới. Cho đến nay, vấn đề chống bất bình đẳng nam nữ tại vùng dân tộc thiểu số dù có chuyển biến nhưng không đáng kể.
Theo Đại biểu Nguyễn Thị Thảo, phụ nữ dân tộc thiểu số miền núi đang chịu khoảng cách bình đẳng giới rất xa so với nam. Họ chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống do nhiều nguyên nhân, từ điều kiện sinh hoạt phong tục tập quán, nhận thức của cộng đồng về vai trò của phụ nữ và thậm chí là từ chính nhận thức hạn chế của phụ nữ về vấn đề này.
“Sự cam chịu của chính họ khiến công tác bình đẳng giới khó đạt được kết quả như mong muốn, tuy nhiên phần thực trạng của Đề án lại chưa chỉ rõ được hạn chế bất cấp này. Trong khi bất bình đẳng giới là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đồng bào thiểu số bị lâm vào vòng luẩn quẩn như kiến thức của người phụ nữ nghèo nàn, bị tư tưởng phong kiến chi phối, trẻ em gái không được đến trường, nạn tảo hôn, đói nghèo… Trước những bất cập đó, tôi đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung vấn đề này vào nội dung của đề án” - Đại biểu Nguyễn Thị Thảo kiến nghị.
Trước đó, vấn đề này cũng đã được Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - cơ quan thẩm tra Đề án - đề cập, theo đó chưa thấy đề án xây dựng nội dung về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Theo cơ quan thẩm tra, khoảng cách giới còn rất lớn và tồn tại ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, Hội đồng Dân tộc đề nghị đưa các vấn đề về giới, nguyên tắc lồng ghép giới xuyên suốt trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án. Đề án cần xây dựng các chỉ tiêu cụ thể về thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh đó, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em nhằm nâng cao chất lượng dân số các dân tộc thiểu số là một trong những nội dung quan trọng, bức thiết hiện nay. Vì vậy, nội dung này cần được ưu tiên trong Đề án và phân bổ ngân sách thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, theo đề xuất của cơ quan thẩm tra.