Để an toàn khi dùng ngân hàng qua di động

15:36 | 22/10/2015;
Để sử dụng dịch vụ ngân hàng qua thiết bị di động an toàn, các bạn cần lưu ý tính bảo mật, thiết bị định danh và cân nhắc khi truy cập các trang tin điện tử có nguy cơ nhiễm virus.
Tại Việt Nam, hiện có hơn 3 triệu người đang sử dụng các dịch vụ ngân hàng qua thiết bị di động (Mobile Banking), khoảng 14-15 triệu giao dịch được thực hiện hằng tháng với tổng giá trị hàng ngàn tỉ đồng. Thế nhưng, không phải ai cũng biết cách sử dụng các “ngân hàng di động” một cách hiệu quả và an toàn nhất.

Trước hết là đảm bảo tính bảo mật. Theo các ngân hàng, bảo mật được ưu tiên đầu tư khi các vụ đánh cắp tài khoản, tiền thanh toán giao dịch qua mạng ngày càng gia tăng. Đa phần ứng dụng Mobile Banking đều được các ngàn hàng thương mại tích hợp công nghệ cao với phương thức xác thực 2 lớp: mật khẩu và OTP. Chỉ khi xác nhận đúng cả 2 thông tin này, giao dịch mới thành công. Ví dụ, tại VietCapital Bank, tất cả giao dịch của khách hàng ngay khi thực hiện sẽ lập tức được mã hóa trên đường truyền về hệ thống.

Ngoài ra, ứng dụng còn được sử dụng kỹ thuật định danh thiết bị. Khi đăng nhập lần đầu trên một thiết bị mới, khách hàng đều phải thực hiện đầy đủ các bước kích hoạt hệ thống bằng mã OTP được gửi đến số điện thoại đăng ký ban đầu. Khách hàng có thể sử dụng ứng dụng trên nhiều thiết bị nhưng chỉ được thực hiện một giao dịch trên thiết bị duy nhất.

Ảnh minh họa: Theo Shutter Stock

Bên cạnh đó, để an toàn khi dùng Mobile Banking, khách hàng nên cân nhắc khi truy cập các trang tin điện tử có nguy cơ nhiễm virus, cài phần mềm chống virus có bản quyền, đổi mật khẩu thường xuyên để tránh bị rò rỉ hoặc tránh dùng mật khẩu dễ đoán như ngày tháng năm sinh, số điện thoại, tên của con, tên vật nuôi... Không dùng phần mềm bẻ khóa vì có thể ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của thiết bị và các phần mềm hợp pháp khác đã được cài đặt trên thiết bị. Không viết tên mật khẩu ra giấy hoặc ghi chép dưới hình thức khác.

Khách hàng cũng không nên cung cấp thông tin về cá nhân và dịch vụ trên các bài viết, thông tin trúng thưởng được chia sẻ hay gửi qua ứng dụng chat, Facebook... Trong trường hợp khách hàng bị mất điện thoại di động, cần thông báo ngay cho ngân hàng để khóa dịch vụ.

Ở Việt Nam, Mobile Banking ra đời từ năm 2010, sau dịch vụ Internet Banking vài năm, đến nay đã có khoảng 32 ngân hàng thương mại triển khai. Qua thiết bị di động (điện thoại, máy tính bảng), người dùng có thể thực hiện nhiều tính năng như: Chuyển khoản trong và ngoài hệ thống, gửi và tất toán tài khoản tiền gửi trực tuyến, nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn điện, nước, truyền hình cáp hoặc mua vé máy bay… Một số ngàn hàng còn tăng cường các công cụ tiện ích như hỗ trợ tính lãi tiền gửi, lãi vay, chuyển đổi tỉ giá nhanh chóng và dễ dàng.

Với tốc độ tăng trưởng rất cao, khoảng 20%-30%/năm, các ngân hàng đều rất chú trọng phát triển các dịch vụ “ngân hàng di động” để cạnh tranh, bằng cách mở rộng khả năng thanh toán không dùng tiền mặt, cho phép khách hàng mua sắm mà không cần phải quẹt thẻ như mPOS, ví điện tử; ứng dụng một số tiện ích phi tài chính như giải trí (dự đoán bóng đá, game, đọc tin tức...); trao đổi thông tin, chia sẻ hình ảnh, âm thanh, chat trực tuyến trên nền công nghệ OTT... Có thể nói, Mobile Banking không chỉ là một sản phẩm ngân hàng điện tử thông thường, mà đã trở thành một ứng dụng tiện ích đáp ứng nhu cầu đa dạng của đông đảo người dùng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn