9.000 lít nhiên liệu lậu bị bắt giữ ở Hưng Yên đã được xác định là xăng máy bay. Cơ quan kiểm định cho rằng số xăng này có thể được trộn thêm chì để chế thành xăng giả.
PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm tư vấn giám định dân sự (VUSTA) cho biết, nếu xăng máy bay được dùng cho mô tô, ô tô là rất nguy hiểm.
Thông thường, nhiệt độ xăng chạy cho động cơ bình thường như mô tô, ô tô là từ 45 - 200 độ C. Còn nhiệt độ của xăng máy bay dân dụng rất ổn định: 145 độ C. Xăng cho máy bay phản lực dao động từ 180 - 240 độ C. Xăng máy bay đòi hỏi chất lượng tốt, đốt cháy hoàn toàn, không có cặn... có như vậy, máy bay mới có tốc độ nhanh hơn các phương tiện khác.
Hàng loạt vụ cháy nổ xe máy, ô tô không rõ nguyên nhân |
Với những tính chất trên, xăng máy bay sẽ cho trị số octan (hay còn gọi là RON) - trị số chống kích nổ động cơ rất cao, trên 100 đơn vị trong khi trị số này ở xăng bình thường chạy ô tô, xe máy chỉ là 92, 95. Ngoài ra, hàm lượng chì trong xăng máy bay cũng rất cao để đạt chỉ số trên 100 đơn vị.
Theo công bố của Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng I, hàm lượng chì trong số xăng lậu bị bắt này rất cao (0,8651gram/lít) trong khi theo quy chuẩn, xăng xe máy không chì mức 2 chỉ được phép là 0,013 gram/lít. Khi chưa pha loãng, Trung tâm này đã không thể xác định được trị số octan trong chất lỏng này là bao nhiêu.
Theo công bố của Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng I, hàm lượng chì trong số xăng lậu bị bắt này rất cao (0,8651gram/lít) trong khi theo quy chuẩn, xăng xe máy không chì mức 2 chỉ được phép là 0,013 gram/lít. Khi chưa pha loãng, Trung tâm này đã không thể xác định được trị số octan trong chất lỏng này là bao nhiêu.
Những nhiên liệu có trị số octan và chì cao thì rất nhạy cảm với nhiệt, sẽ bắt cháy rất mạnh. Vì vậy, nếu dùng loại xăng máy bay cho xe máy, ô tô lưu thông là vô cùng nguy hiểm, rất dễ xảy ra cháy nổ.
Ngoài ra, những nhiên liệu có trị số octan và hàm lượng chì cao còn khiến các gioăng bị dãn, nhiên liệu dễ bị bay hơi; kim loại bị ăn mòn khiến nguy cơ tạo hỗn hợp nổ cháy giữa nhiên liệu và ôxy khí rất cao trong khi xe chuyển động.
PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng nhấn mạnh, xăng máy bay là những loại xăng chất lượng cao nhưng không phù hợp nếu dùng cho ô tô, xe máy.
Nếu nghi vấn tuồn xăng máy bay để chạy xe máy, ô tô trên là đúng thì đây có thể là một nguyên nhân gây ra tình trạng một số phương tiện giao thông đang lưu thông trên đường thì bị chết máy, cháy, nổ... gây nguy hiểm, mất an toàn cho người dân. Năm 2011 đã xảy ra liên tiếp các vụ cháy xe máy, ô tô mà cho đến thời điểm này, cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.
Tháng 12 năm 2011, hai thanh niên đang đi tới cầu Định Công (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) thì chiếc xe Attila bỗng dưng bốc khói. Hai người vừa kịp nhảy khỏi xe, lửa đã bốc ngùn ngụt. Thấy vậy, người lái xe vội chạy vào nhà dân ven đường xin nước để chữa cháy nhưng càng đổ nước, xe lại càng bùng cháy dữ dội. Khi thấy không thể cứu được chiếc xe, hai thanh niên này liền bỏ đi.
Cũng khoảng thời gian này, một chiếc xe máy hiệu Luvias của hãng Yamaha do nam thanh niên chạy trên đường Lê Quang Định (phường 11, quận Bình Thạnh, TP HCM) đột ngột bốc cháy kèm theo nhiều tiếng nổ khiến dòng người chạy tán loạn. Rất may nam thanh niên này đã kịp bỏ chạy khi ngọn lửa bùng cháy.
Năm 2011, chiếc xe máy sản xuất tại Trung Quốc của anh Trịnh Đức Sơn ở phường Mai Động (Hoàng Mai, Hà Nội) bùng cháy ngay trước cửa nhà khi vừa khởi động. Anh Sơn cho biết, vừa khởi động xe máy, bỗng có tiếng phát nổ dưới gầm, anh chỉ kịp nhảy khỏi xe và hô hoán mọi người xung quanh tránh xa. Ngay sau đó chiếc xe bùng cháy dữ dội.
Cùng thời điểm, chiếc xe giường nằm 48 chỗ đang chạy từ Hà Nội lên Điện Biên, khi đến địa phận tỉnh Hòa Bình bỗng bốc khói rồi cháy ngùn ngụt khiến gần 40 người trên xe hoảng loạn. Rất may, toàn bộ 38 người gồm cả hành khách, lái và phụ xe kịp thời thoát thân.