Để Chỉ thị 40 đi vào lòng dân

10:10 | 03/11/2021;
Để Chỉ thị 40 đi vào lòng dân cần lắm những biện pháp hiệu quả trong đó thiết nghĩ vấn đề tuyên truyền cần được quan tâm và triển khai một cách hiệu quả, bà Lê Thị Hạnh Nguyễn, Chi ủy viên, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn bộ phận Phòng giao dịch NHCSXH huyện Chương Mỹ, Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội, cho biết.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn hằng mong ước:

"Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 4, trang 161).

Ngày nay, nước nhà đã độc lập, dân đã tự do, nhưng đồng bào vẫn còn đâu đó có người cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, vẫn còn những học sinh phải bỏ học do không đủ tiền, một cuộc chiến khác không kém phần cam go của toàn Đảng, toàn dân ta lại được tiếp tục trên mặt trận kinh tế - xã hội là giảm nghèo và giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất,tinh thần của nhân dân lên một tầm cao mới.

Trong thời gian qua, với phương châm "cho cần câu hơn cho xâu cá", Nhà nước đã dành những khoản ngân sách, sử dụng nhiều nguồn tài trợ quốc tế cho các chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội như: cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, cho vay đối tượng đi lao động có thời hạn tại nước ngoài, cho vay trả lương ngừng việc, cho vay trả lương phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ...

19 năm chưa phải là một hành trình dài đối với một ngân hàng, song sự ra đời của Ngân hàng Chính sách xã hội với mô hình hoạt động và các chương trình tín dụng đặc thù là một giải pháp có tính nhân văn sâu sắc, một trong những "điểm sáng" trong các chính sách giảm nghèo.

Và sau gần 7 năm Chỉ thị 40-CT/TW (Chỉ thị 40) của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đi vào cuộc sống, đã có ngày một nhiều các chương trình tín dụng chính sách phù hợp với nhu cầu thực tế ra đời, góp phần không nhỏ giúp cho những người dân nghèo, người yếu thế dễ bị tổn thương, người có hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước vươn lên trong cuộc sống. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tổ chức sản xuất kinh doanh, trang trải chi phí học tập cho học sinh sinh viên, hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây nhà ở cho hộ nghèo... Bên cạnh đó, sau khi có sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt có sự đóng góp của Ngân hàng Chính sách xã hội, tình trạng cho vay nặng lãi, hoạt động "tín dụng đen" đã dần được đẩy lùi.

Bên cạnh những thành tích, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 40, "một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội; một số nhiệm vụ đề ra chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời và triệt để. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội có lúc, có nơi chưa thật chặt chẽ, hiệu quả" (Trích: Kết luận 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội)

Để tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40 trong thời gian tới, tích cực góp phần vào quá trình phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, Ban Bí thư yêu cầu cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên đó là: "Tiếp tục quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị 40, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân" (Trích: Kết luận 06-KL/TW ngày 10/6/2021)

Tư tưởng đường lối của Đảng luôn đúng và nhân văn nhưng để hiện thực hóa cần có những giải pháp đồng bộ, thống nhất trong triển khai thực hiện. Và để Chỉ thị 40 "đi vào" lòng dân cần lắm những biện pháp hiệu quả trong đó thiết nghĩ vấn đề tuyên truyền cần được quan tâm và triển khai một cách hiệu quả. Trên phương diện cá nhân, tôi xin đề xuất một số các biện pháp sau:

Thứ nhất: các chi, đảng bộ hàng tháng cần kiểm điểm đánh giá hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn; đưa hoạt động tín dụng chính sách là một tiêu chí thi đua, định kỳ tổ chức khen thưởng kịp thời những cá nhân, tổ chức thực hiện tốt.

Thứ hai: cần truyên truyền sâu rộng hơn nữa Chỉ thị 40 đến từng đảng viên, từng người dân để thấy rõ tính Đảng trong từng đồng vốn tín dụng chính sách dưới nhiều hình thức. Cụ thể:

Một, tiếp tục tăng cường tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài truyền hình, truyền thanh, báo đài, các website của báo trung ương và địa phương, cần lưu ý tăng cường truyên truyền trên loa truyền thanh tại các xã trong huyện, các website của huyện và xã…

Hai, câu hỏi hóa các nội dung của Chỉ thị 40 và Kết luận 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập (trong đó có đính kèm câu trả lời để đối chiếu, so sánh) hay dùng kỹ thuật vẽ sơ đồ mindmaphoặc kỹ thuật sketchnote (dùng chữ và các hình vẽ, đơn giản) để tóm tắt nội dung của Chỉ thị, nghị quyết gửi đến các chi, đảng bộ giúp người học dễ hiểu dễ nhớ. Khi đã hiểu và nắm rõ chủ trương đường lối của Đảng, mỗi đảng viên sẽ tiếp tục tuyên truyền đến người dân và cùng người dân tham gia giám sát công tác triển khai vốn tín dụng chính sách trên địa bàn. Các hình thức này cũng có thể áp dụng cho các Chỉ thị, Nghị quyết khác của Đảng nhằm giúp các buổi sinh hoạt đảng, các buổi học tập Nghị quyết đạt hiệu quả cao hơn.


Học Chỉ thị 40 bằng sơ đồ mindmap

Ba, Ngân hàng Chính sách xã hội với đặc thù áp dụng phương thức cho vay ủy thác bán phần (ủy thác một số công đoạn cho vay cho các các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện) cũng cần sáng tạo hơn trong việc tuyên truyền tính Đảng trong từng đồng vốn tín dụng chính sách với các hình thức cụ thể như:

Soạn thảo nội dung mẫu để tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn tuyên truyền trong các buổi họp tổ, đặc biệt là các buổi họp bình xét vay vốn trong đó riêng phần đầu buổi họp ưu tiên nói về chủ trương đường lối của Đảng về chăm lo đời sống vật chất cho người dân, đặc biệt là những người yếu thế trong xã hội với phương châm không ai bị bỏ lại phía sau. Nếu xây dựng được hệ thống các video nói về nội dung này để chiếu hoặc truyền cho các tổ viên xem qua điện thoại smart phone cũng sẽ là một biện pháp hiệu quả. Sau khi được nghe, được tuyên truyền phổ biến, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng nên có một bảng câu hỏi ngắn có thể dùng hình thức in ra giấy hoặc xây dựng bộ câu hỏi trên app ứng dụng giúp tổ viên vừa học vừa chơi vừa tăng sự hiểu biết về tín dụng chính sách.

Bên cạnh đó, trước khi giải ngân vốn vay cán bộ ngân hàng nên có một bài tuyên truyền ngắn về nguồn gốc đồng vốn tín dụng chính sách từ đâu, nhấn mạnh sự quan tâm của Đảng đến từng người dân có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội có thể soạn thảo một mẫu chung bài tuyên truyền trước khi giải ngân để tuyên truyền tính đảng trong đồng vốn tín dụng chính sách từ đó nêu cao tinh thần thực hiện các nghĩa vụ của người vay như sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả gốc, trả lãi, gửi tiết kiệm đầy đủ, kịp thời.

Bốn, để nâng cao hình ảnh của Đảng, chúng ta có thể áp dụng các hình thức tuyên truyền phù hợp với xu hướng thời đại 4.0 như: lập kênh facebook, tik tok, youtube riêng để lan tỏa những hành động đẹp những gương người tốt, việc tốt; áp dụng ứng dụng canva (một ứng dụng chuyên cung cấp các hình ảnh, phông chữ, đồ họa, video và hình động) để tạo ra các bức tranh, tấm thiệp dễ thu hút người xem.

Có thể nói đây là những cách thức truyền thông tiên tiến và có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, tác động trực diện và lan tỏa một cách chóng mặt đến mọi tầng lớp trong xã hội. Có một số người cho rằng những phương tiện truyền thông mới này có nhiều mặt trái xong những điểm mạnh, điểm tích cực là không thể phủ nhận. Với đặc tính lan truyền cực nhanh, mạnh, tác động trực diện, chúng ta cần có một chiến lược lâu dài tận dụng tính ưu việt của những hình thức truyền thông tiên tiến này để hàng ngày, hàng giờ lan tỏa những điều tích cực, tử tế góp phần định hướng dư luận, tránh sự chống phá của các thế lực thù địch.

Tuyên truyền là một nhiệm vụ quan trọng để phổ biến, truyền bá hệ tư tưởng, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến đông đảo quần chúng nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Thông tin tuyên truyền là đem một việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó là thông tin tuyên truyền thất bại". Chính vì thế cần lắm những biện pháp, những cách thức sáng tạo để các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng nói chung, Chỉ thị 40 nói riêng "đi vào" một cách tự nhiên và "cắm rễ" trong lòng dân.

(Tác phẩm tham dự Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2021; Người dự thi: Lê Thị Hạnh Nguyễn - Chi ủy viên, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn bộ phận Phòng giao dịch NHCSXH huyện Chương Mỹ, Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội).

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn