Bạch Nham Tùng sinh ngày 20/8/1968 ở Hulunbuir, Khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc. Năm 1985, ông được nhận vào khoa Báo chí của Đại học Truyền thông Trung Quốc với điểm số xuất sắc. Quá trình học tập ở đây ông cũng luôn đạt được thành tích rất tốt.
Tốt nghiệp ra trường, Bạch Nham Tùng hoạt động với vai trò người dẫn chương trình, phóng viên và sáng lập các kênh truyền hình. Với những thành tựu nổi bật, năm 2010, ông đảm nhận vị trí phiên dịch viên của lễ khai mạc và bế mạc Đại hội thể thao châu Á Quảng Châu. Cùng năm đó, ông được trao danh hiệu "Người dẫn chương trình truyền hình hay nhất của Danh sách truyền hình Trung Quốc lần thứ 11".
Vào ngày 15/3/2018, nam MC được bầu làm thành viên của Ủy ban Tài nguyên và Môi trường Dân số Quốc gia.
MC nổi tiếng Trung Quốc - Bạch Nham Tùng.
Bạch Nham Tùng kết hôn năm 1997. Vợ ông là đồng nghiệp khi làm việc tại Đài Phát thanh Nhân dân Trung ương Trung Quốc. Vào tháng 11 cùng năm, cậu con trai đầu lòng của họ đã ra đời. Bạch Thanh Dương - con trai của ông Bạch là cậu bé có thành tích học tập nổi bật ngay từ nhỏ, sau này còn theo học một trường danh giá ở Anh.
Cậu con trai giỏi giang của Bạch Nham Tùng.
Ông không chỉ xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn của mình mà còn có quan điểm độc đáo riêng trong vấn đề nuôi dạy con. Nói về giáo dục trẻ em, Bạch Nham Tùng khẳng định, có 3 loại “cay đắng” này cha mẹ phải cho trẻ “ăn” để con có một tương lai thành công:
1. Cho con chịu đựng sự thiếu tiền
Cuộc sống luôn đầy rẫy những khó khăn và biến cố, đòi hỏi mỗi người phải thích nghi và vượt qua. Tiền bạc là một trong những thứ thiết yếu để tạo dựng cuộc sống, vì thế cha mẹ phải hướng dẫn cho con có cái nhìn và quan niệm đúng đắn về vấn đề tiền bạc.
Luôn cung cấp đầy đủ vật chất, không bao giờ để con phải chịu đựng thiếu thốn là một hành động không khôn ngoan của cha mẹ. Trái lại, để trẻ trải qua sự thiếu tiền sẽ khiến con biết trân quý giá trị của lao động và tiền bạc, từ đó không ngừng nỗ lực vươn lên. Đồng thời còn khiến con không bị sốc nếu sau này cuộc sống gặp khó khăn, không bằng phẳng.
Cho con chịu đựng việc thiếu tiền không có nghĩa là cha mẹ dù có điều kiện nhưng lại để con phải sinh hoạt kham khổ. Cha mẹ hãy để con trải nghiệm vừa đủ để thấu hiểu và hình thành quan niệm, suy nghĩ đúng đắn là được.
2. Để trẻ chịu đựng thất bại
Chịu đựng được thất bại là cách để con rèn luyện sự kiên cường của tâm trí. (Ảnh minh họa)
Trong cuộc sống, thành công và thất bại luôn song hành không tách rời. Nếu không thể chịu đựng được khi bản thân rơi vào thất bại, cho thấy sức mạnh tinh thần con rất yếu ớt, trẻ sẽ khó bề vững vàng trên đường đời sau này.
Chịu đựng được thất bại là cách để con rèn luyện sự kiên cường của tâm trí, từ đó giúp con có bản lĩnh vượt qua thất bại và vươn đến thành công sau đó.
3. Để trẻ chịu đựng sự gian khổ của học tập
Kiến thức là vốn quý của mỗi người. Bước ra ngoài xã hội, nếu không có kiến thức thì con người sẽ chẳng thể làm nên được điều gì. Nhưng học tập chưa bao giờ là quá trình đơn giản, nhẹ nhàng. Trái lại vô cùng gian khổ và khó nhọc.
Chính vì thế, ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ phải để trẻ phải chịu đựng được sự gian khổ của việc học tập, đọc sách mà không ngừng trau dồi kiến thức. Đó là bước chuẩn bị, là nền tảng phục vụ cho công việc và cuộc sống của con sau này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn