Cũng có con gái ở tuổi dậy thì, chị Trần Thu Hà (mẹ Xu Sim), tác giả cuốn sách "Con nghĩ đi, mẹ không biết!", "Buông tay để con bay" chia sẻ trên trang cá nhân, chị không sợ con gái thi trượt hay sợ thực phẩm thiếu an toàn bằng việc con bước vào yêu, chị sợ những nguy hiểm từ cách con yêu, từ người con chọn yêu và chọn để tin.
Chị Trần Thu Hà chia sẻ: "Khắp nơi cũng chỉ dạy toán lý hóa, tiếng Việt, tiếng Anh... Chẳng có nơi nào dạy con trẻ con cách nhìn người, để nó biết được người đó có tử tế không. Làm sao để nó nghe và tin mẹ hơn tin người yêu? Cấm thì rõ là không cấm được rồi đó. Trong chuyện này, theo lời khai ban đầu, cũng vì 2 đứa sợ ba mẹ phạt nên cùng tìm tới cái chết.
Lâu nay, ba mẹ và thầy cô dạy trẻ khá kỹ về cách phòng tránh, đề phòng người lạ. Những cẩm nang phòng tránh lạm dụng xâm hại cũng vậy, quy tắc bàn tay cũng dặn trẻ cần phòng tránh người lạ... Nhưng con chúng ta đã đang và sẽ chết vì người con chọn yêu nhiều nhất! Người lạ cướp giật có thể chỉ cướp được 1 cái điện thoại, nhưng người yêu có thể làm con mất cả cuộc đời.
Người lạ chỉ chiếm có 7% số thủ phạm của nạn lạm dụng xâm hại tình dục thôi, còn 93% là người thân quen. Ai cũng có thể dễ dàng rời xa, chống lại người lạ nếu họ gây hại, nhưng rất khó khăn để chống đỡ lại người yêu, cho dù có nhìn thấy họ đang huỷ hoại mình.
Mình nghĩ, chả có trường nào, chỉ có cha mẹ. Chỉ còn cách đồng hành, để ngay từ nhỏ con tin tưởng cho ba mẹ biết hành trình của con, có khúc cua gấp nào thì bố mẹ xi nhan kịp thời. Ngay từ nhỏ, bằng bàn tay ôm con, bằng ánh mắt, bằng những lời âu yếm nâng niu... để con hiểu rằng con quý giá, con có đủ yêu thương ngay trong nhà mình, con ko đói khát tới mức tự chui đầu vào thòng lọng.
Ngay từ nhỏ, mỗi ngày, mỗi lần đi đâu gặp ai, cũng trò chuyện để con nhận ra đâu là những tín hiệu của 1 người đáng tin cậy, đâu là kẻ hèn nhát và giả dối, đâu là "toxic person" - mối quan hệ nào đang nhiễm độc. Ngay từ nhỏ, hãy cho con sức mạnh để con biết chịu trách nhiệm với chính mình và các mối quan hệ. Con hiểu con có quyền thiết kế và biên tập cuộc đời mình. Con bước vào được thì bước ra được, nâng lên được thì sẽ hạ xuống được, ngã được thì sẽ đứng dậy được.
Ngay từ nhỏ, ba mẹ đành phải làm gương bằng lối sống, để con biết rằng thực ra các ranh giới là để bảo vệ con, và các kỷ luật cũng là để giúp cho con tự do. Ngay từ nhỏ, con phải hiểu rằng: con có quyền sai lầm và có quyền sửa chữa, đừng trốn tránh ba mẹ...
Làm ở báo teen gần 20 năm, mình hiểu: Không có tuyệt chiêu nào, cũng không có hình phạt nào hiệu quả với tuổi teen bằng hành trình nhiều năm làm người bạn đồng hành cùng con, để con tin mẹ hơn tin người khác".
Để hỗ trợ con "học yêu", theo chuyên gia Phí Mai Chi (Dự án SexEdu về giáo dục giới tính cho trẻ em), việc cha mẹ tìm hiểu kiến thức để sẵn sàng cung cấp thông tin cho con khi trẻ đặt câu hỏi là cần thiết. Ngoài ra, kiến thức giúp cha mẹ biết cách quan sát các mối quan hệ, hành vi ứng xử của con để kịp thời trò chuyện, giáo dục trẻ phù hợp.
"Tạo lập lòng tin nơi trẻ, giữ kết nối thông qua việc thường xuyên trò chuyện khiến trẻ dễ cởi mở để nói chuyện với cha mẹ về mối quan tâm của mình. Những tò mò, băn khoăn về "cảm xúc yêu" sẽ được trẻ kể. Tiếp nhận với thái độ tôn trọng sẽ khiến bạn trở thành nhà tư vấn giúp con "học yêu". Khi con có niềm tin dựa trên sự tôn trọng thì cha mẹ và con có thể đối thoại để thiết lập nguyên tắc hẹn hò nhằm giảm thiểu các nguy cơ cho trẻ như bị bạo lực, lừa đảo, quấy rối....", chị Phí Mai Chi cho biết.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn