Sắp sếp công việc khoa học để dành thời gian cho con |
Với những đứa trẻ sinh ra ở gia đình khá giả, chúng được bố mẹ cho đi học ở các trường học đắt tiền, có sự chăm sóc và bán trú tốt hơn những ngôi trường bình thường khác. Bọn trẻ cũng được đi du lịch, đi ăn tối và mua sắm cuối tuần... để không thua kém "con nhà người ta" về cơ hội học hành, thậm chí, không ít bố mẹ đã chuẩn bị tương lai cho con một cách cẩn thận, nhiều gia đình còn thiết kế những con đường sáng sủa nhất như cho con đi du học ở các nước phát triển trên thế giới...
Song rất nhiều bà mẹ cho rằng, lo cho con một cuộc sống vật chất đủ đầy vẫn là chưa đủ với một đứa trẻ bình thường. Bởi với những gia đình khá giả, điều kiện thiếu nhất là thời gian của bố mẹ dành cho con cái. Có đứa trẻ nói: “Con nhớ mẹ”, khi vẫn ngày ngày sống cùng bố mẹ trong một căn nhà. Ban ngày bố mẹ đi làm, con đi học, tối con cũng học thêm. Con cái và bố mẹ chỉ gặp nhau lúc lên giường rồi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Cuộc chạy đua với thời gian cho công việc của mỗi thành viên trong gia đình luôn là một khoảng cách khó hàn gắn, khó xích lại gần nhau. Điều đó đã gây nên tâm lý thèm khát tình cảm cha mẹ của đứa trẻ.
Mỗi tối chỉ có 2 mẹ con bên mâm cơm, nhưng vẫn ấm áp, sum vầy |
Để giảm bớt khoảng cách thiếu thời gian trong gia đình, chị Nguyễn Thị Hoa, giảng viên trường Đại học Đông Đô, nhà ở Q. Tây Hồ (Hà Nội) chia sẻ bí quyết: Chồng chị làm kinh doanh, thường xuyên xa nhà, trước đây chị cũng bận rộn với việc dạy thêm ở các trung tâm, các Dự án nghiên cứu khoa học… Gần đây, chị đã bớt nhận thêm việc làm ngoài, dành ngày nghỉ hoặc giờ nấu cơm tối để gọi cậu con trai học tiểu học cùng làm việc nhà với mình. Chị hướng dẫn cho con cách nhặt rau, rửa rau, cắm cơm bằng nồi cơm điện sao cho vừa nước, gọt trái cây để cả gia đình cùng tráng miệng sau bữa ăn, dậy con quét nhà, lau nhà… Trong thời gian này, mẹ cho con cùng làm, cùng chia sẻ về bài học của con ngày hôm nay ở trên lớp, chuyện các bạn trao đổi trên lớp trong và ngoài giờ học. Từ những câu chuyện của con, chị nắm bắt tâm lý và cách suy nghĩ của con về các vấn đề xung quanh, quan niệm bạn bè, cách con chia sẻ khi hôm nay sinh nhật bạn Đ. ở lớp vui ra sao, bạn H. bị cô giáo phạt vì tội trêu bạn trong giờ học… Dù con chị Hoa là con trai, nhưng cậu rất hay tâm tình với mẹ. Hiểu con, chị đã uốn nắn suy nghĩ của con theo hướng tích cực. Đó cũng là điều mà mỗi tối, dù chỉ có 2 mẹ con bên mâm cơm, nhưng căn bếp vẫn luôn ấm áp mà không hề thiếu đi hơi ấm gia đình. Mỗi khi chồng chị về, thấy 2 mẹ con luôn vui đùa, cũng mang đến cho anh cảm giác yên bình, muốn hòa chung vào niềm vui ấy, tạo cho anh cảm giác khó quên mỗi dịp về thăm nhà.
Có thể, nhiều mẹ khác còn có kinh nghiệm hay hơn để giữ hơi ấm gia đình, các mẹ có thể chia sẻ thêm để cùng nhau bàn thảo hoặc gỡ những nút thắt trong mỗi gia đình hiện nay?