Để con luôn thoải mái với một bà mẹ 'không hoàn hảo'

11:40 | 25/10/2018;
Nhiều người vì muốn làm gương cho con nên hướng đến việc xây dựng cho mình một hình ảnh hoàn hảo trong mắt con. Tất nhiên, nó đem lại hiệu quả trong nuôi dạy con nhưng mặt trái là lắm khi khiến bạn phải mệt mỏi do phải “gồng mình”.
day-con-tuoi-day-thi.jpg
Cha mẹ hãy sống thật hơn, đời thường hơn để làm bạn với con tuổi teen. Ảnh minh họa

 

Có một cách khác, song song với nó, đó là bạn có thể ở chừng mực nào đó cho phép mình được thả lỏng, cho con thấy bố mẹ lắm khi rất “liên thiên, vớ vấn” mà có khi lại đem lại những hiệu quả không ngờ. Tác dụng của nó là:

1. Để làm bạn với con. Mọi người vẫn nghe nhắc đến việc cha mẹ phải kết bạn với con, nhất là ở độ tuổi teen. Nhưng hãy đặt vào địa vị con, bạn có dễ kết bạn với một người khác không nếu đó là một người quá cao xa, quá hoàn hảo? Vì thế, ở chừng mực nào đó, là cha mẹ hãy sống thật hơn, đời thường hơn với những đặc điểm hay, dở của bản thân mình thì con sẽ thấy gần gũi, dễ tâm sự với bố mẹ (dễ coi bố mẹ là bạn).

 

2.Để con không bị thần tượng hóa cha mẹ. Tôi rất ngưỡng mộ chị bạn thân. Chị nuôi dạy con rất thành công và con rất yêu quý chị. Nhưng chị bảo: “Chị không hề muốn con thần tượng chị vì tự chị thấy bản thân có đầy cái không hay”. 

 

Do tác động của môi trường sống, do giáo dục mà có nhiều trường hợp các con bị ảnh hưởng bố mẹ cả cái hay lẫn cái dở (thậm chí ngay cả khi cha mẹ không muốn). Vì thế, khi bạn dũng cảm vượt qua sự e ngại, chủ động chỉ ra cho con thấy cha mẹ có những cái hạn chế để con rút kinh nghiệm tức là giúp con không bị đi vào “vết xe đổ”, những hạn chế sẽ không còn bị “di truyền” nữa. Nuôi dạy con thành công là giúp chúng trở nên tốt hơn bố mẹ chứ không phải là giống như bố mẹ chúng.

 

10-cau-cha-me-nen-noi-voi-tre-2.jpg
Đừng cố đóng vai ông bố/bà mẹ hoàn hảo vì như thế sẽ rất mệt. Ảnh minh họa

 

3.Để con sau này không bị ngợp bởi ai cả. Tôi có quen một người bạn. Bình thường người đó rất tự tin, hoạt ngôn, nhưng khi phải tiếp xúc những bác thuộc diện quá to, là tự nhiên mất tự tin, không nói được. Quay lại vấn đề về nuôi dạy con, nếu như ngay từ trong cuộc sống gia đình bạn giúp con hiểu rằng, ai cũng có cái hay, cái dở, nhân vô thập toàn thì sau này khi ra ngoài đời, dù gặp người có tầm cỡ đến đâu con sẽ không hoặc đỡ bị choáng ngợp trước họ (vì đại loại như con sẽ nghĩ bác này cũng sẽ có những cái "vớ vẩn" đời thường).

 

4.Để bản thân bạn đỡ phải lên gân. Đừng cố đóng vai ông bố/bà mẹ hoàn hảo vì như thế sẽ rất mệt, hãy sống thật với chính bạn, với những cái hay, cái dở, trên tinh thần phát huy cái ưu, khắc phục cái nhược và hướng đến tương lai tốt đẹp, chứ không phải là dập khuôn bắt chước một ai đó.

me-va-con.jpg
"Mẹ cũng vớ vẩn lắm" - là cách mẹ gần gũi với con hơn và tăng hiệu quả giao tiếp với con. Ảnh minh họa

 

5.Nói thế nào với con về sự “vớ vẩn” của bố mẹ?

Đó nên là những gì gần gũi, gắn liền với tuổi thơ con, nhằm tạo sự gần gũi giữa mẹ con;/bố con. Ví dụ, ngày xưa mẹ cũng nghịch lắm, bố cũng cưa gái mãi không được.


Chia sẻ mang tính khách quan. Ví dụ: công nhận tính mẹ bánh bèo (nếu mẹ bánh bèo thật);


Chia sẻ mang tính xây dựng, lạc quan. Ví dụ: Ừ, công nhận bố hay đi nhậu, nhưng dạo này đỡ hơn vì mẹ con kêu quá, mình cũng phải biết lắng nghe chứ, không thì chết....

 

Bài viết này chỉ là một cách để giúp cha mẹ gần gũi với con hơn và tăng hiệu quả giao tiếp với con. Giúp bạn không bị mệt mỏi vì quá trình làm gương cho con. "Vớ vẩn" chỉ là một cách nói quá. Nó có thể là những thói quen chưa tốt của bạn, các kỷ niệm nghịch ngợm hay đơn giản chỉ là một cách cư xử "ngu ngu" nào đó như mua đồ sale về rồi không mặc... Cuộc sống đơn giản và chân thật như vậy, ngay cả trong cách giáo dục con cái.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn