Vào đầu tháng 8/2021, một sự việc liên quan đến đe dọa, bạo lực và quấy rối trực tuyến nhắm đến đối tượng là một nhóm dưới 16 tuổi đã được báo cáo tới đường dây nóng CyberHotline của CyberKid. Sau thời gian tìm hiểu và thu thập thêm thông tin, tổ chức này và các bạn nhỏ đã quyết định lên tiếng cùng nạn nhân và đưa sự việc ra ánh sáng. CyberKid Vietnam là tổ chức xã hội phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trước các mối đe dọa an ninh mạng khi tương tác trên internet.
Chị Nguyễn Hương Giang, Trưởng phòng Giải pháp CyberHotline của CyberKid Việt Nam, cho biết, theo kết quả từ cuộc khảo sát cộng đồng do CyberKid Vietnam thực hiện vào tháng 8 năm 2020, có 56,6% trẻ thực hiện khảo sát từng bị người lạ tiếp cận trên mạng xã hội. 58,7% trẻ bắt gặp hoặc có thể truy cập vào các nội dung không phù hợp với lứa tuổi của mình như bạo lực, khiêu dâm... Điều đáng chú ý là có đến 60% số trẻ không sẵn sàng chia sẻ vấn đề mà mình gặp phải trên mạng với bố mẹ hay người giám hộ. 5% số trẻ không biết mình có thể chia sẻ với ai. Đồng thời, qua cuộc khảo sát, CyberKid nhận thấy, sự cởi mở cộng với nhận thức chưa rõ ràng về tầm quan trọng của việc bảo vệ mình đang khiến cho nhiều em nhỏ vô tình trở thành nạn nhân của các mối nguy hại khác nhau trên không gian mạng, trong đó có đe dọa, bắt nạt trực tuyến. Đây chính là động lực thôi thúc đội ngũ CyberKid thực hiện ý tưởng về việc lắng nghe, hỗ trợ và bảo vệ các em trước vấn đề này.
PNVN đã có cuộc trao đổi với chị Nguyễn Hương Giang xung quanh vấn đề này.
- PV: Từ khi CyberKid đi vào hoạt động trên mạng, cùng với CyberHotline, đã tiếp nhận những vấn đề được báo cáo ra sao và các em thường báo cáo nhiều nhất ở khía cạnh nào?
Chị Nguyễn Hương Giang: Từ khi chính thức đi vào hoạt động, CyberKid đã tiếp nhận 80 trường hợp trẻ em liên hệ đến đường dây nóng CyberHotline. Trong đó, phần lớn các vấn đề được báo cáo có liên quan đến đánh cắp danh tính và đe dọa, bắt nạt qua mạng với những mức độ nghiêm trọng khác nhau. Có những trường hợp trẻ bị đánh cắp tài khoản mạng xã hội sau đó bị tống tiền hoặc bị quấy rối tình dục trên không gian mạng. Hay gần đây nhất là trường hợp một nhóm trẻ em bị hàng loạt các tài khoản mạo danh nhắn tin đe dọa, uy hiếp nhằm chiếm đoạt cộng đồng học tập do chính các em thành lập.
Khi tiếp nhận sự việc này, CyberHotline đã thực hiện chiến dịch truyền thông "Speak To Stop" với thông điệp #KnowSoonerActBetter (Nhận thức sớm đề hành động tốt hơn) nhằm nâng cao ý thức cộng đồng về vấn đề đe dọa, bắt nạt trực tuyến.
- PV: Vậy theo chị, trẻ em tham gia trên không gian mạng cần được trang bị các kỹ năng nào? Và CyberKid có hướng dẫn các em hay không? Bằng cách gì?
Chị Nguyễn Hương Giang: Trẻ em vốn tò mò, thích tìm tòi những điều mới lạ. Khi khám phá thế giới trên internet, các em thường vô tư, không lường trước được những mối nguy hại tiềm tàng sẽ xảy đến với mình. Do đó, để có thể sử dụng mạng an toàn và thông minh, trẻ em cần nhận diện được những mối nguy hại trên không gian mạng và trang bị một số kỹ năng để tự bảo vệ bản thân như: sử dụng các website tìm kiếm phù hợp với lứa tuổi, tăng cường bảo mật đối với thông tin cá nhân, tránh trò chuyện hoặc làm theo yêu cầu của người lạ trên mạng...
Những nội dung này đều được CyberKid đưa đến các em thông qua giải pháp CyberSchool với các tiết học "An toàn trên Không gian mạng" từ 45 - 90 phút tại từng ngôi trường hay giải pháp CyberClass với các khóa học trực tuyến về lập trình dành cho các bạn trong độ tuổi 12 - 17.
Riêng với các nạn nhân bị xâm hại trên không gian mạng, khi liên hệ đến đường dây nóng CyberHotline qua fanpage CyberKid Vietnam, các em sẽ được lắng nghe, tư vấn và hỗ trợ về mặt tâm lý, pháp lý, công nghệ để có thể bảo vệ mình và những người xung quanh.
- PV: Thưa chị, hiện nỗi lo của các phụ huynh khi con trẻ tiếp xúc với mạng xã hội và các thông tin khác trên internet quá sớm và quá nhiều mỗi ngày. Phụ huynh cần đồng hành với các con như thế nào, theo cách nhìn từ CyberKid?
Chị Nguyễn Hương Giang: Nhìn thấy con mình tiếp xúc nhiều với mạng xã hội và các thông tin trên internet, nhất là trong thời gian trẻ phải ở nhà do dịch Covid-19, không ít phụ huynh cảm thấy lo lắng. Càng lo lắng thì lại càng quản chặt con, có khi là tức giận, quát mắng nếu con lơ là việc học tập và không cho con sử dụng các thiết bị di động nữa. Tuy nhiên, về phía mình, phụ huynh lại tiếp tục sử dụng điện thoại, ipad, laptop trước mặt các con. Điều này dễ tạo nên suy nghĩ về "sự bất công" trong tâm trí của trẻ, khiến trẻ khó chịu và có những phản ứng tiêu cực như làm trái, cãi lại lời bố mẹ, thậm chí là nói dối, lấy trộm điện thoại, ipad để dùng...
Vậy nên, để đồng hành cùng con trên hành trình khám phá không gian mạng, trước hết, phụ huynh nên tìm hiểu tâm tư, những phát triển về mặt tâm sinh lý ở trẻ và trở thành một người bạn của trẻ. Khi muốn trẻ rời xa thế giới công nghệ, phụ huynh cũng nên là người làm gương cho trẻ bằng cách không sử dụng thiết bị điện tử trong những giờ sinh hoạt chung của gia đình; tạo nhiều hoạt động vui chơi, giải trí cho cả nhà thay vì để trẻ một mình cùng với chiếc điện thoại. Bên cạnh đó, phụ huynh cần trang bị cho mình những kiến thức về an ninh, an toàn mạng cơ bản để có thể biết cách hỗ trợ, bảo vệ con trên không gian mạng. Những việc ấy tưởng là dễ dàng nhưng thực chất không phải phụ huynh nào cũng có thời gian và sự kiên nhẫn để thực hiện.
Vì thế, bên cạnh các giải pháp dành cho trẻ em và nhà trường, CyberKid còn nghiên cứu và phát triển giải pháp CyberHome - giải pháp dành riêng cho cha mẹ với mục tiêu nâng cao năng lực số và kết nối gia đình Việt thông qua các lớp học online trên website với sự hướng dẫn đến từ các chuyên gia nuôi dạy con, chuyên gia an ninh mạng uy tín hàng đầu tại Việt Nam.
- PV: Vậy CyberKid có thể đưa ra các cảnh báo trong thời gian tới đối với trẻ em hay không?
Chị Nguyễn Hương Giang: Trong thời gian tới, sẽ có nhiều xu hướng ảnh hưởng đến hành trình khám phá không gian mạng của trẻ, trong đó phải kể đến sự phát triển đa dạng về tính năng của các ứng dụng mạng xã hội hay nền tảng chia sẻ video ngắn. Những ứng dụng ấy có khả năng lan tỏa cũng như tác động lớn đến nhận thức và hành vi của người dùng, người xem, đặc biệt là với trẻ em trong độ tuổi dậy thì, thích thể hiện bản thân. Nhiều kẻ xấu đã lợi dụng điều này để tấn công và làm tổn thương tinh thần của các em. Vì thế, phụ huynh và trẻ em cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng về an toàn, an ninh mạng và rèn luyện trí thông minh kỹ thuật số (DQ) để có thể trở thành những công dân số tài năng và có trách nhiệm với xã hội!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn