Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có sự quan tâm kịp thời của các cấp chính quyền, cùng với việc nâng cao nhận thức cho gia đình và chính bản thân trẻ, mảng tối của trẻ em vùng nông thôn, miền núi khó khăn sẽ càng bao phủ.
Với số lượng trẻ gần 1.700 em, hiện nay xã Tân Tiến (huyện Hưng Hà, Thái Bình) có 4 sân bóng, 3 hội trường thôn. Đây là những địa điểm để tổ chức các hoạt động vui chơi, văn hóa, thể thao cho trẻ. Ông Lê Gia Tứ, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, cho biết, trên địa bàn có nhiều cháu sống trong hoàn cảnh bố hoặc mẹ đi làm ăn xa, bố mẹ ly dị, phải nhờ người thân chăm sóc.
Sống trong cảnh nuôi cháu ngoại, ông Lê Văn Lệ (57 tuổi, thôn An Nhân, xã Tân Tiến) cho biết, con gái ông ly dị, đưa con về sống tại nhà ông. Làm nghề may với mức lương 3-5 triệu đồng/tháng, khó khăn lắm con gái ông mới có thể nuôi được con ăn học. Cháu của ông Lệ là Lại Thế Giang (13 tuổi), đang học lớp 7 ở Trường Tiểu học và THCS Tân Tiến. Thường ngày, ngoài việc học trên lớp, khi về nhà Giang thường đá bóng ở ngoài đường cùng các bạn hoặc xem phim hoạt hình một mình, cũng có khi mẹ cháu cho mượn điện thoại để chơi game.
Vào những ngày lễ dành cho thiếu nhi, Giang thường lên hội trường xem các bạn tập văn nghệ rồi về. Cũng có hôm, mẹ Giang đưa con xuống chợ huyện cách nhà 5km để mua quần áo. "Từ bé đến giờ, ngoài chợ huyện Hưng Hà và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, con chưa từng được mẹ đưa đi đâu chơi, tham quan, du lịch cả", Giang chia sẻ.
Hoàn cảnh của Nguyễn Tân Việt (10 tuổi, thôn An Nhân) cũng có phần giống với hoàn cảnh của Giang. Từ lúc được 8 tháng tuổi, do bố mẹ đi làm ăn xa nên Việt được gửi ở với ông bà ngoại. Sau khi bố mẹ ly hôn (năm 2013), Việt về ở hẳn với ông bà. Do đời sống kinh tế khó khăn nên mẹ cháu là Nguyễn Thị Loan (35 tuổi) phải vay tiền đi xuất khẩu lao động. Do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đã hơn 3 tháng nay, chị Loan chưa gửi tiền về cho bố mẹ nuôi con.
Bố chị Loan là ông Nguyễn Văn Khai (59 tuổi), vốn bị khuyết tật vận động nên mọi việc trong nhà đều dựa vào người vợ là bà Bùi Thị Là (57 tuổi). Cả nhà sống phụ thuộc vào 4 sào lúa. Không đủ ăn nên bà Là phải trồng thêm một số hoa màu và nuôi lợn để lo cho cháu ăn học. Sống ở hoàn cảnh như vậy, nên từ bé đến lớn Việt chỉ quanh quẩn trong làng, ngay cả việc đi ra ngoài đường Việt cũng bị hạn chế vì có vài lần Việt ra ngoài đường chơi, bị tai nạn gãy xương.
Thiếu điểm vui chơi nên đường làng, sông ngòi, ao hồ thường là những nơi trẻ em nông thôn tìm đến để thả diều, câu cá, bơi lội. Cũng vì vậy mà trẻ phải đối diện với nhiều nguy cơ gây mất an toàn, trong đó có tai nạn giao thông, bị đuối nước.
Trẻ em gái ở nông thôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ
Theo Đại úy - TS. Nguyễn Thị Minh Huệ (Khoa Lý luận Chính trị &KHXHNV, Học viện An ninh), khi không ở cùng bố mẹ, con cái sẽ thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc, tình yêu thương, giáo dục hình thành nhân cách, đạo đức. Bố mẹ vắng nhà, công tác chăm sóc cho trẻ không đảm bảo dẫn đến có một số trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ bản thân khỏi những hiểm nguy như nạn xâm hại tình dục, lừa đảo... Qua thực tế khảo sát, TS Minh Huệ cho biết, trẻ em gái vị thành niên vùng nông thôn hiện đối mặt với rất nhiều nguy cơ: Bị xâm hại trên môi trường mạng, bị lừa đảo vào các đường dây buôn bán phụ nữ, trẻ em, sa ngã vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật như mại dâm, nghiện hút hay có lối sống không lành mạnh.
Những con số của Chính phủ gửi đến Quốc hội mới đây cho thấy, hiện đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 14,7% dân số cả nước nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 57,16%. Trong đó, vùng miền núi Đông Bắc có tới 77% và Tây Bắc là 96,9% các hộ dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo và thực tế, nhiều cha mẹ phải đi xa nhà để mưu sinh, thậm chí đi lao động trái phép ở nước ngoài, ít có điều kiện để chăm sóc con. Từ đây, trẻ đối mặt với nguy cơ bị lôi kéo, dụ dỗ, sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Nguy hại hơn, trẻ em gái phải đối mặt với nạn tảo hôn, thậm chí là bị xâm hại tình dục.
TS Vương Ngọc Hà, Ủy viên Hội đồng Dân tộc Quốc hội, nhìn nhận, con số gần 13.500 trẻ em 15 tuổi tảo hôn, trong đó phần lớn là trẻ nông thôn, miền núi, rất đáng lo ngại. Thực tế, đối với bé gái, khi mới 14-15 tuổi đã phải làm vợ, làm mẹ thì hậu quả tiêu cực không chỉ với bản thân em đó mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dân số. "Có những vụ án về giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ được phát hiện, khởi tố khi trong quá trình chung sống phát sinh mâu thuẫn, gia đình trẻ em gái báo cáo với cơ quan chức năng", TS Ngọc Hà nêu thực tế.
Cần sự vào cuộc khẩn trương, đồng bộ
Từ thực trạng trên, nhiều ý kiến đề xuất cần có sự quan tâm sát sao hơn với đời sống trẻ em vùng nông thôn. Theo TS Vương Ngọc Hà, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần được cụ thể hóa và phù hợp với nhận thức của người dân nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Ở khu vực này cần quan tâm đến các hình thức như tuyên truyền tại chợ phiên, tuyên truyền bằng pa nô, áp phích bằng tiếng dân tộc. Việc tuyên truyền phải tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và hành động với trẻ em, đó là phải có kỹ năng bảo vệ bản thân.
Còn theo bà Hứa Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, công tác tuyên truyền cần có chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn cụ thể với nhiều hình thức và nội dung phong phú, trong đó trọng tâm là Luật Trẻ em, Bộ luật Hình sự, Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản pháp luật có liên quan. "Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư các nguồn lực để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho trẻ em như xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo đảm các tiêu chí xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, giúp trẻ em có môi trường vui chơi, học tập lành mạnh".
Việc nâng cao nhận thức của trẻ, giúp trẻ tránh được các nguy cơ, theo TS. Nguyễn Thị Minh Huệ, gia đình vẫn là môi trường gần gũi nhất để giúp trẻ nhận thức và thay đổi hành vi. "Khó ai có thể thay thế vị trí của cha mẹ đối với con cái. Dù đi làm xa nhưng nếu cha mẹ có trách nhiệm, quan tâm đến con thì chỉ cần chiếc điện thoại là có thể kết nối được với con, động viên con kịp thời. Theo đó, cha mẹ cần thường xuyên theo dõi việc học, vui chơi giải trí, lắng nghe con để kịp thời chia sẻ, động viên khi cần thiết, giúp con tránh khỏi nạn xâm hại tình dục", TS Nguyễn Thị Minh Huệ cho biết. Cũng theo bà Huệ, trong bối cảnh này, cần phát huy tối đa vai trò của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên để đưa những nội dung cần thiết về vấn đề này đến từng hộ gia đình cũng như quan tâm, chia sẻ, động viên các gia đình khi gặp khó khăn, nâng cao hiểu biết về pháp luật, lối sống trách nhiệm với trẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn