Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4 (chiều 1/11), Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Phát biểu tại tổ 7 (gồm đoàn ĐBQH các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Nam, Đồng Tháp), đại biểu Quốc hội Hà Thị Nga, Uỷ viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, bày tỏ đồng tình với việc cần thiết xây dựng dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đồng thời cho rằng, hồ sơ dự án luật này được chuẩn bị kỹ lưỡng, có nhiều thông tin phong phú và bám sát để thể chế hóa chủ trương của Đảng đã được xác định tại Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới".
Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, các quy định được sửa đổi của dự thảo luật cũng góp phần trong việc khắc phục những hạn chế trên thực tế sau gần 10 năm tổ chức triển khai thực hiện luật hiện hành; góp phần thúc đẩy hơn nữa sự phát triển kinh tế tập thể; đặc biệt là có thêm những cơ chế, chính sách để khuyến khích các hộ gia đình tham gia vào các nhóm tổ hợp tác, hợp tác xã.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Hà Thị Nga bày tỏ đồng tình với phương án giữ nguyên tên gọi là dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) như Tờ trình của Chính phủ đề xuất; bởi tên gọi này đã rất quen thuộc với người dân và các tổ chức kinh tế tập thể trong nhiều năm qua; đồng thời tên này cũng đúng với kế hoạch xây dựng luật của Quốc hội đã đề ra.
Bày tỏ băn khoăn với một số nội dung cụ thể của dự án luật, đại biểu Hà Thị Nga cho biết: Có nhiều điều khoản trong dự thảo Luật được giao cho Chính phủ tiếp tục cụ thể hóa trong thời gian sắp tới; trong đó có 29 điều khoản (trên tổng số 111 điều khoản) là giao cho Chính phủ và các Bộ quy định chi tiết. Để bảo đảm bảo tính ổn định và thực thi hiệu quả, không tạo ra độ trễ sau khi luật có hiệu lực, đại biểu đề nghị Chính phủ có những quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể thuộc đối tượng điều chỉnh của luật này. Qua đó có thể giảm đến mức thấp nhất những điều khoản, những điểm phải giao cho Chính phủ và các Bộ quy định trong các văn bản dưới luật.
Với vai trò của tổ chức Hội LHPN Việt Nam, đại biểu Hà Thị Nga đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm "Nguyên tắc đảm bảo bình đẳng giới" vào trong Điều 8, quy định về "nguyên tắc tổ chức, quản lý hoạt động của tổ chức kinh tế hợp tác", nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ và nam giới được tham gia thụ hưởng một cách bình đẳng những kết quả, cũng như trong các hoạt động các tổ chức kinh tế tập thể. Đồng thời nhằm cụ thể hóa nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13; góp phần cụ thể hóa thực hiện chỉ tiêu về phấn đấu tỷ lệ 'nữ Giám đốc, Chủ doanh nghiệp hợp tác xã' đạt ít nhất 27% vào năm 2025; đạt 30% vào năm 2030. Đây cũng là chỉ tiêu, mục tiêu được xác định trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. "Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ, tỷ lệ này mới đạt khoảng 10% chủ doanh nghiệp, giám đốc hợp tác xã là nữ", Chủ tịch Hà Thị Nga nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn