Thảo luận tại hội trường Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), sáng 25/10, đại biểu Lương Văn Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Với nhóm quy định về Thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, dự thảo Luật chưa quy định cụ thể Bảo hiểm xã hội Việt Nam được thành lập cơ quan thanh tra.
Qua tiếp xúc cử tri và ghi nhận ý kiến các cơ quan, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị bổ sung quy định cơ quan thanh tra trong cơ quan Bảo hiểm xã hội; đồng thời bổ sung quy định việc tổ chức hoạt động và nhiệm vụ của thanh tra chuyên ngành tại Trung ương và địa phương của cơ quan Bảo hiểm xã hội do Chính phủ quy định.
Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, cho rằng, về thanh tra chuyên ngành, tại Khoản 1, Điều 34 của dự thảo đã điều chỉnh, bổ sung quy định Chính phủ quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra, cơ quan thuộc Chính phủ, theo đó đã bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thành lập cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ.
Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Ngọc Đinh, dự thảo mới chỉ quy định chung việc thành lập cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ chưa quy định cụ thể Bảo hiểm Xã hội Việt Nam được thành lập cơ quan thanh tra. Do đó, đại biểu này đề nghị sửa đổi Khoản 3, Điều 2 về giải thích khái niệm thanh tra chuyên ngành Khoản 4, Điều 9 và Điều 114 của dự thảo.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH Nam Định, cho biết thêm: Từ năm 2016 đến năm 2021, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã thanh tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm về đối tượng, mức đóng bằng 120% với số tiền truy thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế…
Bên cạnh đó, Thanh tra bảo hiểm xã hội còn có đóng góp to lớn để bảo đảm việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, xử lý các vi phạm trong đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế kịp thời và nghiêm minh. Chính vì vậy, đại biểu này cho rằng cần thiết quy định trong Luật Thanh tra (sửa đổi) về cơ quan thanh tra bảo hiểm xã hội bao gồm ở Bảo hiểm xã hội Việt Nam và ở Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Ngược lại với các quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, đề nghị: Không mở rộng điều chỉnh đối với thanh tra chuyên ngành của BHXH trong Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Bởi Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định về thanh tra chuyên ngành về thanh tra bảo hiểm xã hội ở Điều 13, theo đó quy định thanh tra lao động thương binh và xã hội thực hiện thanh tra chuyên ngành về thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về thanh tra…
Giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu nêu, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết: Về hệ thống cơ quan thanh tra theo ngành lĩnh vực, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã quy định việc thành lập Thanh tra Tổng cục thuộc Bộ với các tiêu chí cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho hoạt động thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này.
Dự thảo Luật đã chỉnh lý việc thành lập cơ quan thanh tra tại cơ quan thuộc Chính phủ như Bảo hiểm xã hội, Ủy ban Quản lý vốn, Ban Cơ yếu Chính phủ theo hướng quy định tiêu chí, nguyên tắc thành lập. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ có quy định cụ thể.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn