Phát biểu tại hội trường, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng, cần quy định chặt chẽ các nội dung để hạn chế "hợp đồng bảo hiểm mồ côi".
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung cho rằng, các quy định về nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm vẫn chưa rõ ràng, chưa đạt được mục tiêu tiệm cận với thông lệ quốc tế, đề nghị đối với nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm cần được quy định rõ trong luật nhằm đảm bảo tính minh bạch, thống nhất.
Về Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm, đại biểu Mai Dung nhất trí với phương án quy định về Quỹ Bảo hiểm tiền gửi, bỏ quy định về Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm và sửa đổi Điều 154 về điều khoản chuyển tiếp giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư quỹ yêu cầu phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.
Về các hành vi nghiêm cấm, đại biểu Mai Dung đề nghị cấm các hành vi cố tình từ chối hoặc chây ì bồi thường trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra mà không có lý do hợp phát.
Về hạn chế "hợp đồng bảo hiểm mồ côi", đại biểu Mai Dung cho biết hiện nay chưa có đánh giá thực tế về hiện trạng "hợp đồng mồ côi", trong khi đây là một loại hợp đồng số lượng rất lớn và đã xảy ra trên thực tế. Vì vậy, đại biểu Mai Dung đề nghị phải có những quy định chặt chẽ hơn về nội dung này, nhất là đối với phía công ty bảo hiểm phải có trách nhiệm chỉ định kịp thời đại lý bảo hiểm giám sát việc chuyển giao các hợp đồng bảo hiểm này một cách kịp thời cũng như các quyền, nghĩa vụ liên quan. Đồng thời đề nghị bổ sung đầy đủ các nội dung về tư vấn bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm để hạn chế tình trạng hợp đồng bảo hiểm mồ côi.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, đề xuất bổ sung bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường.
Đại biểu Tuyết Nga cho biết, trên thực tế hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra rất là phức tạp. Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, có 1.350 làng nghề thì đã có 45% làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; hơn 30% làng nghề cũng trong tình trạng ô nhiễm. Đại biểu Tuyết Nga cho rằng, bảo hiểm bắt buộc về môi trường là vấn đề nóng, cấp thiết, liên quan trực tiếp tới lợi ích công cộng, môi trường, an toàn xã hội. Đại biểu Tuyết Nga đề nghị, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này cần phải bổ sung ngay quy định bảo hiểm bắt buộc đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường.
Ngoài ra, đại biểu Tuyết Nga cũng đề nghị rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng quy định bảo hiểm bắt buộc tại một số chuyên ngành bởi các quy định trong luật chuyên ngành do các bên tự thỏa thuận, khó khả thi trong thực tiễn.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu, cho rằng, cần thống nhất hướng tiếp cận về việc phân loại các loại hình bảo hiểm.
Đại biểu Hoa Ry cho rằng, căn cứ vào tính chất hoạt động thì có thể chia thành bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện; căn cứ vào tính chất bồi hoàn thì chia thành bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ. Do đó, đại biểu Hoa Ry đề nghị ban soạn thảo cần thiết kế lại nội dung này cho thống nhất về hướng tiếp cận đối với loại hình bảo hiểm.
Bên cạnh đó, đại biểu Hoa Ry đề nghị cần có sự thống nhất trong cách sử dụng thuật ngữ, xác định rõ về nội hàm, phạm vi về an toàn vốn, an toàn tài chính trong các điều khoản của dự thảo Luật. Đại biểu Hoa Ry cũng đề nghị ban soạn thảo nên nghiên cứu bổ sung nội dung cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước, về công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn