Đề nghị khu để xe phải tách biệt với khu ở khi xây chung cư

14:28 | 21/09/2018;
Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an về việc “Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố".
 
Theo HoREA, hiện TP.HCM có hơn 1.000 chung cư đã đưa vào sử dụng với hàng trăm ngàn hộ gia đình đang sinh sống. Nhu cầu lựa chọn sống trong các căn hộ chung cư cao tầng của các tầng lớp nhân dân là xu thế chủ đạo và đang gia tăng theo thời gian, nhất là loại chung cư bình dân.
 
Theo thống kê từ năm 2012 cho đến tháng 9/2016, toàn thành phố đã xảy ra 34 vụ cháy tại các tòa nhà cao tầng. Trong đó, có 26 vụ cháy tại các chung cư nhà ở. Riêng trong năm 2017, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 1.007 vụ cháy, làm chết 26 người, bị thương 44 người, thiệt hại về tài sản khoảng 92,5 tỉ đồng.
 
Đặc biệt, vào ngày 23/3/2018, đã xảy ra vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại chung cư Carina Plaza (Q.8). Vụ cháy này đã làm chết 13 người và 51 người bị thương, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và gây tác động tâm lý bất an đối với người dân đang sinh sống trong các chung cư, nhà cao tầng.
 
Cũng theo HoREA, hiện TP.HCM vẫn còn một số tồn tại và sai phạm điển hình có thể dẫn đến mất an toàn phòng cháy chữa cháy chung cư, nhà cao tầng. Hầu hết 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 không có hệ thống phòng cháy, chữa cháy; nhiều căn hộ chung cư bị cơi nới, rào chắn, không có lối thoát hiểm, nguy cơ cháy tiềm ẩn rất đáng quan ngại.
 
dsc_2590.JPG
Ý thức phòng cháy chữa cháy được nâng cao sau vụ cháy tại chung cư Carina Plaza. 

 

Nhiều chung cư nhà ở tái định cư, chung cư nhà ở xã hội và một số chung cư nhà ở thương mại đang bị người tiêu dùng quan ngại về chất lượng xây dựng. Trong đó, công trình phòng cháy, chữa cháy chất lượng thấp, hoạt động không ổn định, thiếu tin cậy. Đặc biệt, một số chủ đầu tư chưa thi công hệ thống phòng cháy chữa cháy đã đưa dân vào ở.
 
HoREA cho rằng, các quy phạm pháp luật về quản lý vận hành nhà chung cư hiện nay tương đối đầy đủ. Khâu yếu nhất và kém hiệu quả nhất là khâu thực thi pháp luật, trong đó có trách nhiệm thi hành công vụ.
 
Từ thực tế đặt ra, HoREA kiến nghị tiếp tục hoàn thiện các quy phạm pháp luật có liên quan đến đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy chung cư, nhà cao tầng. Trong đó, Hiệp hội kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành "Quy chuẩn xây dựng Việt Nam: Tiêu chuẩn thiết kế nhà cao tầng" (mới) và sửa đổi, bổ sung "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2010/BXD)" theo hướng nghiêm ngặt hơn, có tính đến thực tế ngày càng có nhiều chung cư trên 30 tầng hiện nay.
 
HoREA cho hay, luật phòng cháy chữa cháy có quy định về xã hội hóa công tác phòng cháy chữa cháy. Sau vụ cháy tại tầng hầm chung cư Carina Plaza, một doanh nghiệp bất động sản có nguyện vọng tặng 23 tỉ đồng cho lực lượng phòng cháy chữa cháy TP.HCM để mua xe chữa cháy hoặc thiết bị chữa cháy cần thiết. Nhưng đến nay, chưa có cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thủ tục để công ty này được tặng số tiền này cho lực lượng phòng cháy chữa cháy.
 
Hiệp hội cũng kiến nghị đối với dự án nhà chung cư cao tầng xây dựng tại các khu đô thị mới thì cần quy định khu vực để xe của chung cư phải tách biệt với khu ở để giảm thiểu nguy cơ xảy ra cháy, với hệ số sử dụng đất phù hợp, được miễn tiền sử dụng đất diện tích khu vực để xe, để nhà đầu tư có thể thực hiện, thu hồi vốn, không làm tăng giá thành để không ảnh hưởng đến người mua nhà; Tầng hầm chung cư chỉ nên sử dụng để bố trí hệ thống kỹ thuật, hoặc làm các dịch vụ ít có nguy cơ xảy ra cháy nhằm phục vụ cư dân chung cư.
 
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn