Đề nghị môn Lịch sử là môn học bắt buộc ở THPT, không phải môn "lựa chọn"

19:33 | 25/05/2022;
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục vừa có báo cáo về "việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với môn Lịch sử cấp THPT".

Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, nhiều ý kiến cử tri, nhân dân và dư luận băn khoăn đối với quy định môn học Lịch sử cấp Trung học phổ thông là môn học lựa chọn, không phải là môn học bắt buộc. Cử tri, nhân dân cho rằng, quy định này sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử với thế hệ trẻ.

Được biết, chương trình giáo dục phổ thông 2018 được phân chia 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm (từ lớp 1 đến lớp 9); giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm (từ lớp 10 đến lớp 12).

Đến nay, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai đối với lớp 1 (năm học 2020 - 2021), đối với lớp 2, 6 (năm học 2021-2022) và tiếp tục triển khai đối với lớp 3, 7 và lớp 10 (năm học 2022-2023).

Chương trình môn Lịch sử cấp THPT là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và trung học cơ sở) và là môn lựa chọn trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (trung học phổ thông), được thiết kế theo hướng chuyên sâu.

3 khả năng xảy ra khi môn Lịch sử là môn học lựa chọn

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, cử tri cho rằng, khi môn Lịch sử cấp THPT là môn học lựa chọn sẽ có 3 khả năng xảy ra:

- Nếu học sinh lựa chọn môn Lịch sử là 1 trong 5 môn học lựa chọn, học sinh sẽ học tổng thời lượng 210 tiết/3 năm học (tăng 70 tiết so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006).

- Nếu học sinh lựa chọn môn Lịch sử là 1 trong 5 môn học lựa chọn, đồng thời lựa chọn chuyên đề học tập là môn Lịch sử, học sinh sẽ học tổng thời lượng 315 tiết/3 năm học (tăng 175 tiết so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006).

- Nếu học sinh không lựa chọn môn Lịch sử thì không học thêm tiết nào. Kiến thức phổ thông dừng lại ở kiến thức chương trình tiểu học, trung học cơ sở và tích hợp ở một số môn học khác. Về thời lượng học ít hơn chương trình giáo dục phổ thông 2006 là 140 tiết.

Trong khi đó, xét về tâm sinh lý lứa tuổi, học sinh THPT (từ 15 đến 17 tuổi) có sự trưởng thành về nhận thức, khả năng tiếp nhận tốt hơn về lịch sử đất nước và lịch sử cách mạng Việt Nam. Việc bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho học sinh THPT là cần thiết nhằm phát triển con người toàn diện, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của con người Việt Nam.

Nếu học sinh không lựa chọn môn lịch sử ở cấp THPT (thực tiễn cho thấy, số lượng này có thể lên tới 50% học sinh), các em sẽ không được tiếp cận với những kiến thức rất quan trọng, có ý nghĩa giáo dục đối với lứa tuổi này.

Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới, môn Lịch sử trong chương trình trung học phổ thông luôn là môn học bắt buộc.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thống nhất với quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và nhân dân đối với môn học Lịch sử. Sự cần thiết cân nhắc phương án đối với việc dạy học môn Lịch sử cấp trung học phổ thông và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền trong thời gian tới.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn