Đề nghị Thanh tra sở Y tế không 'thanh minh' cho phòng khám bóp cổ phóng viên

09:41 | 02/10/2018;
“Với vai trò thanh tra thì anh nên trả lời cái này đã đúng quy định hay chưa chứ không phải trách nhiệm của anh là thanh minh cho phòng khám”, nhà Báo Trần Mỹ Dung, Báo điện tử VnMedia đề nghị với Thanh tra Sở Y tế Hà Nội trong buổi làm việc liên quan đến Phòng khám đa khoa Thiên Hòa.
Liên quan đến vụ việc bệnh nhân V.T.T. (24 tuổi, huyện Ý Yên, Nam Định) tố bị Phòng khám Đa khoa Thiên Hòa (73 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội) làm giá trên bàn tiểu phẫu, ngày 1/10, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã có buổi làm việc với báo chí để làm rõ một số thông tin.
Theo phản ánh, ngày 16/9, bệnh nhân V.T.T. đi khám nam khoa tại phòng khám. Do bị “làm giá” trên bàn tiểu phẫu nên số tiền bệnh nhân mang theo không đủ, cũng không mang giấy tờ nên phòng khám đã giữ lại giấy tờ của người nhà bệnh nhân. Tại buổi làm việc, các PV đề nghị Thanh tra Sở Y tế cho biết, có quy định nào phòng khám được giữ giấy tờ của người nhà bệnh nhân hay không?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Dương Trung, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết, trong quy định, các cơ sở y tế công khi đến khám bệnh nhân phải có trách nhiệm cung cấp cho BV như Thẻ bảo hiểm y tế, CMND. Không có quy định nào giữ lại giấy tờ của người bệnh. Còn với phòng khám tư thì ông không nắm được.
Phóng viên Trần Hiếu, Báo Phụ nữ Việt Nam cho biết, sau khi điều trị, bệnh nhân T. đến đề nghị làm rõ quy trình thăm khám của BV. Tuy nhiên, thay vì trả lời cho bệnh nhân lúc đó, bác sĩ phòng khám đã thu sổ khám bệnh, tự ý viết thêm vào sổ. Vậy, việc này có được phép hay không?
20181001_101249.jpg
Ông Nguyễn Dương Trung, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội

 Ông Trung cho biết, theo quy chế của Bộ Y tế, trong những trường hợp có thể hoàn thiện ngay có thể trả cho bệnh nhân, có những trường hợp hồ sơ bệnh án được hoàn thiện sau khi thực hiện 24 tiếng. Tại phòng khám này có lưu hồ sơ bệnh án ngoại trú của bệnh nhân T. Tuy nhiên, trong hồ sơ bệnh án cũng có một số vấn đề về mặt hành chính còn sơ sài như số nhà, địa chỉ, số điện thoại.

“Trong trường hợp bác sĩ Nguyễn Văn Chất có thể khám buổi sáng nhưng chiều mới ghi vào sổ y bạ trong vòng 24 tiếng thì tôi thấy vẫn là được, hợp lý. Thực ra, chất lượng chuyên môn mới là vấn đề cuối cùng, chứ không phải vấn đề hành chính. Có lẽ, đề nghị phòng khám chấn chỉnh các bác sĩ hoàn thiện ngay các vấn đề sổ sách”, ông Trung nói.
Phóng viên Trần Hiếu đặt câu hỏi, về 3 khoản phòng khám chưa niêm yết nhưng vẫn thu, vậy trách nhiệm của Sở Y tế như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, ông Trung cho rằng, việc quản lý phòng khám trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều cơ quan, trong đó có trách nhiệm của Sở Y tế Hà Nội. Đối với Phòng khám đa khoa Thiên Hòa hoặc các phòng khám thuộc diện thanh, kiểm tra theo chuyên đề thì Sở y tế thường xuyên, liên tục phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra. Đầu năm nay, khi kiểm tra, Phòng khám Đa khoa Thiên Hòa cũng đã bị xử lý hành chính.
Về giá khám, chữa bệnh quy định cho phép phòng khám được tự công bố nhưng phải niêm yết công khai để người dân nắm được. "Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, cũng chẳng ai “nắm tay được từ sáng đến tối cả”, có thể người ta thiếu sót, không công bố, thiếu hoặc nhầm hoặc quên hoặc điều chỉnh giá", ông Trung nói.
42831079_2022739601350206_5530276022919888896_n.jpg
Cuốn sổ khám bệnh của bệnh nhân T.

Trao đổi tại cuộc làm việc, nhà báo Trần Mỹ Dung (Báo điện tử VNMedia) đề nghị Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế trả lời vào nội dung câu hỏi. "Với vai trò thanh tra thì anh nên trả lời cái này đã đúng quy định hay chưa chứ không phải trách nhiệm của anh là thanh minh cho phòng khám như “Vì không ai nắm tay được từ tối đến sáng, hay vì nghĩ thế này thế kia”. Anh nên trả lời rõ cái này vi phạm quy định hay không và vi phạm như vậy, trách nhiệm của thanh tra là ở đâu? Đề nghị thanh tra kết luận việc phòng khám không công khai dịch vụ, bệnh nhân thắc mắc như vậy có đúng không, phòng khám có sai phạm không để công bố rõ ràng”, nhà báo Mỹ Dung nói.

Phóng viên hỏi về 2 kỹ thuật không được niêm yết giá là đốt nấm và đo độ nhạy cảm dương vật, có nằm trong danh mục dịch vụ kỹ thuật được Bộ Y tế ban hành, cho phép không? Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết, đây là vấn đề thuộc chuyên môn sâu nên phải hỏi lại và trả lời sau.
 
Như PNVN đã thông tin, nhận được phản ánh của gia đình về việc bệnh nhân giữ lại tại Phòng khám Đa khoa Thiên Hòa, anh Trần Hiếu (PV Báo PNVN) và chị Lê Huyền (PV Báo Phụ nữ TP.HCM) đến xác minh.
Tuy nhiên, khi biết là nhà báo, ông Nguyễn Huy Khánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị của phòng khám và bà Nguyễn Thanh Vân (người của phòng khám) đã đuổi PV ra. Thậm chí, ông Khánh còn túm cổ hành hung, lăng mạ phóng viên Báo PNVN.  
 Ngày 28/9/2018, Báo PNVN đã có công văn số 208/CV-BPNVN gửi Hội Nhà báo Việt Nam, Công an TP Hà Nội, Công an quận Cầu Giấy, Công an phường Trung Hòa, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ sự việc, bảo vệ quyền hành nghề đúng pháp luật của nhà báo; đồng thời xem xét xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân trong vụ việc này.
PNVN tiếp tục thông tin sự việc.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn