Sáng 21/5, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ.
Góp ý về các loại phí liên quan đến sử dụng đường bộ, đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội - cho rằng, việc thu phí giao thông nội đô với ô tô cá nhân sẽ làm hạn chế sự phát triển quá mức của xe cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị. Mặt khác, biện pháp này cũng bổ sung nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước để tăng cường hỗ trợ phát triển kết cấu, hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống giao thông công cộng trong các đô thị.
Nữ đại biểu cho rằng, hiện tại cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương đều đã được phép quy định các loại phí chưa được quy định trong luật. Đặc biệt, một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM đã tiến hành xây dựng các đề án về phí nội đô hay phí kẹt xe. Tuy nhiên, do cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, ổn định nên việc triển khai áp dụng còn khá dè dặt.
Vì thế, nếu Luật Đường bộ và Luật Phí, lệ phí có quy định chính thức loại phí này, đồng thời, giao HĐND cấp tỉnh quy định về phạm vi, địa bàn, đối tượng, mức áp dụng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho việc triển khai tại các địa phương, góp phần giải quyết những bức xúc về giao thông hiện nay tại các đô thị lớn.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Phương Thủy cũng đề cập đến tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất xây dựng đô thị. Theo đó, đô thị loại đặc biệt từ 18% - 26%; đô thị loại I từ 16 % - 24%; đô thị loại II từ 15% - 22%; đô thị loại III từ 13% - 19%; đô thị loại IV từ 12% - 17%; đô thị loại V từ 11% - 16%...
Bà Thủy cho hay việc quy định như dự luật quá chi tiết, có một số nội dung chưa phù hợp với thực tế của nhiều địa phương hiện nay và có các nội dung không phù hợp với phát triển đô thị trong tương lai.
Bà dẫn chứng cụ thể, thực tế ở Hà Nội hay TPHCM hiện nay, tỉ lệ đất dành cho kết cấu giao thông mới đạt 13 - 15%. Mặt khác, theo bà Thủy, trong điều kiện "đất đô thị ngày càng có giá, chi phí phát triển giao thông đô thị ngày càng đắt đỏ", như Hà Nội đang dự kiến mở rộng đoạn đường Láng từ Ngã tư Sở đến Cầu Giấy với tính toán ban đầu là 5.500 tỉ đồng/km. Chưa kể các khó khăn trong thu hồi đất, lập dự án phát triển đường giao thông hiện nay, các đô thị không thể phát triển theo hướng xây mới, mở rộng đường trong nội đô, nội thị mà cần chú trọng hơn các giải pháp về tổ chức giao thông hiệu quả, hạn chế xe cá nhân, phát triển giao thông đa tầng, giao thông công cộng khối lượng lớn.
Do đó, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật không nên quy định quá chi tiết tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất xây dựng đô thị.
Thanh tra đường bộ không được dừng xe để xử lý
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ tại hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến của đại biểu đề nghị quy định Thanh tra đường bộ được dừng phương tiện để xử lý. Tuy nhiên, để bảo đảm thống nhất, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa lực lượng Cảnh sát giao thông và lực lượng Thanh tra đường bộ, tránh phiền hà cho người tham gia giao thông khi có nhiều lực lượng có thẩm quyền xử lý vi phạm trên đường bộ, dự thảo Luật quy định theo hướng Thanh tra đường bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, không thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường, chỉ xử lý trách nhiệm thông qua các điểm giao thông "tĩnh", qua cơ sở dữ liệu; việc tuần tra, xử lý trên đường do lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện.
Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn