Một trong những câu hỏi lớn nhất liên quan đến tuổi thọ nhân loại là con người có thể sống tối đa bao lâu. Thực tế, không có câu trả lời xác đáng cho câu hỏi này. Và chỉ riêng số tuổi thọ cũng không đủ để đánh giá chất lượng cuộc sống.
Là một nhà nghiên cứu về tuổi thọ, Sergey Young đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để thu thập những hiểu biết sâu sắc về sức khỏe từ các chuyên gia y tế, bác sĩ, nhà khoa học và chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu thế giới. Nhờ đó ông cũng đúc rút được những kinh nghiệm quý báu để có thể có một cuộc sống chất lượng bao gồm cả sống thọ và sống khỏe mạnh.
Và với ông, để sống lâu thì tuyệt đối đừng bao giờ nhượng bộ với những quy tắc sau đây, hãy tuân thủ mà thôi.
Chẩn đoán sớm là yếu tố rất quan trọng để phòng ngừa bệnh tật và suy giảm sức khỏe liên quan đến tuổi tác. Vì vậy điều cần thiết là phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên và toàn diện nhất có thể.
Ít nhất, bạn cần kiểm tra sức khỏe tổng thể ít nhất 1 lần mỗi năm, bao gồm cả xét nghiệm máu, kiểm tra trao đổi chất, tuyến giáp và đánh giá mức độ các dưỡng chất (vitamin D, vitamin B, sắt và magiê...).
Theo một báo cáo xuất bản vào tháng 3/2019 trên tạp chí The Lancet về ảnh hưởng sức khỏe của các ăn uống thì chế độ ăn uống nghèo nàn là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh không lây nhiễm trên toàn thế giới, giết chết ít nhất 11 triệu người mỗi năm.
Nhà nghiên cứu Sergey Young đã chỉ ra một số quy tắc ăn kiêng để sống lâu hơn bao gồm:
- Ăn nhiều thực phẩm thực vật: Để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường, hãy cố gắng có ít nhất một món ăn có nguồn gốc thực vật trong mỗi bữa ăn. "Tôi thường ăn bông cải xanh, súp lơ, măng tây hoặc bí xanh như một phần cho bữa trưa và bữa tối. Khi tôi ăn nhẹ, tôi chọn các loại quả mọng, các loại hạt hoặc rau tươi", ông chia sẻ.
- Tránh thực phẩm chế biến sẵn: Nhiều sản phẩm bạn tìm thấy trong các cửa hàng tạp hóa ngày nay chứa nhiều muối, đường, chất béo bão hòa và chất bảo quản hóa học. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y khoa Anh quốc (BMJ) năm 2019 cho thấy chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn dẫn đến nguy cơ tử vong tăng 18% do mọi nguyên nhân.
- Uống nhiều nước hơn: Vì lý do nào đó mà nhiều người uống quá ít nước. Nước là yếu tố không thể thiếu cho quá trình trao đổi chất, bởi vậy, điều này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực lớn đối với cơ thể. Sergey Young luôn giữ một chai nước với lát chanh bên mình ở phần lớn thời gian trong ngày, điều này giúp ông có thể bổ sung nước cho cơ thể kịp thời.
- Bổ sung chất béo lành mạnh: Không phải tất cả các chất béo đều xấu. Lipid mật độ cao (HDL), bao gồm chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa. Chúng được coi là "chất béo tốt", rất cần thiết cho tim, lưu lượng máu và huyết áp khỏe mạnh.
Nhà nghiên cứu I-Min Lee, giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Harvard cho biết trên trang Livescience: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng bằng cách hoạt động thể chất, ngay cả những người thừa cân hoặc béo phì cũng có thể tăng tuổi thọ". Chỉ cần 15 đến 25 phút tập thể dục vừa phải mỗi ngày có thể kéo dài tuổi thọ của bạn lên đến 3 năm nếu bạn béo phì và 7 năm nếu bạn có thể trạng tốt, nghiên cứu cho thấy.
Sergey Young cũng khuyên mọi người đừng cố gắng tập trung vào loại bài tập cụ thể nào mà hãy tranh thủ đứng dậy khỏi ghế, di chuyển và hít thở sâu thường xuyên cũng sẽ có ích. Ông khuyến khích mọi người nên đi bộ. Đi bộ nhanh có thể cải thiện sức khỏe tim mạch, nguy cơ béo phì, tiểu đường và huyết áp cao. Nó thậm chí có thể làm giảm các triệu chứng trầm cảm và lo lắng.
Nhịn ăn gián đoạn và cách mà Sergey Young đã chọn. Dữ liệu lâm sàng cho thấy nhịn ăn gián đoạn - một mô hình ăn uống mà bạn quay vòng giữa thời gian ăn và nhịn ăn - có thể cải thiện sự ổn định insulin, mức cholesterol, huyết áp, sự tỉnh táo tinh thần và năng lượng. Sergey Young bắt đầu với chế độ nhịn ăn gián đoạn 16:8 (trong 8 giờ bạn có thể ăn tất cả mọi thứ, sau đó thì nhịn trong 16 giờ tiếp theo, chỉ uống nước lọc).
Nhưng hãy nhớ rằng chế độ ăn kiêng nhịn ăn hoặc hạn chế calo không dành cho tất cả mọi người. Hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong ăn uống.
Một trong những thói quen độc hại lớn nhất là sử dụng quá nhiều rượu. Các nghiên cứu cho thấy rằng thường xuyên uống nhiều rượu có thể góp phần làm hỏng gan, tuyến tụy, huyết áp cao và hệ thống miễn dịch.
Tiêu thụ một lượng lớn đường là một thói quen xấu khác. "Đường từ trái cây, rau và thậm chí cả ngũ cốc đóng một vai trò quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh, tuy nhiên, hãy nhớ rằng đường dư thừa dưới mọi hình thức là chất độc. Để giảm lượng tiêu thụ, tôi tránh thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống có đường", Sergey Young tiết lộ.
Cuối cùng, Sergey Young khuyên những ai hút thuốc nên bỏ thuốc càng sớm càng tốt. Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ, hút thuốc lá đứng sau 480.000 ca tử vong mỗi năm ở Mỹ.
Một số nghiên cứu lưu trên thông tin Thư viện Y khoa Quốc gia (tại Mỹ) cho thấy ngủ ít có thể dẫn đến tuổi thọ ngắn hơn. Các nghiên cứu mới hơn đang tìm kiếm mối liên hệ giữa mất ngủ và các rối loạn, bao gồm tăng huyết áp, béo phì, tiểu đường và suy giảm chức năng miễn dịch.
"Tôi đặt mục tiêu ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm. Đối với tôi, một thành phần thiết yếu để có được giấc ngủ chất lượng là bóng tối. Tôi cũng tắt hết các thiết bị chiếu sáng và đồ điện tử trong phòng trước khi đi ngủ", Sergey Young nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn